Phát hiện hệ thống ống thoát nước bằng gốm 4.000 năm tuổi ở Trung Quốc

Các nhà khảo cổ phát hiện hệ thống ống nước bằng gốm lâu đời nhất Trung Quốc, cho thấy trình độ kỹ thuật tiên tiến của người xưa.

Hệ thống ống nước mới phát hiện tồn tại từ thời Longshan (khoảng năm 2600 - 2000 trước Công nguyên), chứng minh rằng người xưa có khả năng tạo ra những công trình kỹ thuật phức tạp mà không cần chính quyền tập trung. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Water hôm 14/8.


Đường ống dẫn tới rãnh thoát nước gần cổng phía nam của Pingliangtai. (Ảnh: Yanpeng Cao).

Hệ thống ống nước và rãnh thoát nước bằng gốm mới phát hiện nằm ở thành phố cổ Pinliangtai, ngày nay thuộc quận Hoài Dương, thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Pinliangtai là nơi sinh sống của khoảng 500 người trong thời kỳ Đồ Đá Mới với những bức tường bảo vệ và hào xây xung quanh.

4.000 năm trước, nơi đây có sự thay đổi khí hậu lớn theo mùa. Gió mùa vào mùa hè có thể trút tới 45 cm nước mưa xuống khu vực này mỗi tháng. Với lượng mưa này, kiểm soát nước lũ rất quan trọng với Pinliangtai.

Người Pinliangtai đã xây dựng và vận hành hệ thống thoát nước hai tầng để giúp điều tiết lượng nước quá lớn trong mùa mưa. Các tuyến mương thoát nước đơn giản nhưng phối hợp với nhau hiệu quả. Chúng chạy song song với các dãy nhà để dẫn nước từ khu dân cư vào những ống thoát nước bằng gốm. Những ống này sau đó đưa nước xuống con hào bao quanh, cách xa khu dân cư.

Các ống dẫn nước bằng gốm cũng thể hiện trình độ kỹ thuật tiên tiến cách đây 4.000 năm. Chúng có nhiều kiểu trang trí và phong cách khác nhau, nhưng mỗi đoạn ống đều có đường kính khoảng 20 - 30 cm và dài 30 - 40 cm. Nhiều đoạn được cài vào nhau để vận chuyển nước qua quãng đường dài. Nhóm nghiên cứu cho biết, đây là hệ thống ống nước bằng gốm hoàn chỉnh và cổ xưa nhất từng ghi nhận ở Trung Quốc.

"Việc phát hiện hệ thống ống bằng gốm rất đáng chú ý vì cho thấy người Pingliangtai có thể xây dựng và duy trì hệ thống kiểm soát nước tiên tiến như vậy bằng các công cụ thời Đồ Đá mà không cần một tổ chức quyền lực tập trung. Hệ thống đòi hỏi việc lập kế hoạch và phối hợp cộng đồng ở mức độ cao", đồng tác giả Yijie Zhuang, nhà khảo cổ tại Đại học College London, cho biết.

"Pingliangtai là một địa điểm phi thường. Hệ thống đường ống dẫn nước cho thấy kiến thức sâu rộng về kỹ thuật và thủy văn mà trước đây được cho là chỉ tồn tại trong các xã hội phân chia thứ bậc rõ ràng hơn", đồng tác giả nghiên cứu Hai Zhang, nhà khảo cổ tại Đại học Bắc Kinh, cho biết.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất