Phát hiện hố đen mới cách Trái đất 30.000 năm ánh sáng
Tàu NASA vô tình chụp được một đợt bùng phát tia X, hiện tượng xảy ra khi hố đen hút vật chất từ những ngôi sao, trong chòm sao Columba.
Quang phổ kế chụp ảnh tia X lớp đất bề mặt (REXIS), thiết bị gắn trên tàu vũ trụ Osiris-Rex của NASA, có nhiệm vụ đo đạc tia X phát ra từ tiểu hành tinh Bennu. Tuy nhiên, nó vô tình ghi nhận được đợt bùng phát tia X từ một hố đen mới trong chòm sao Columba (Thiên Cáp) tháng 11 năm ngoái.
Đợt bùng phát tia X từ hố đen MAXI J0637-430 do thiết bị REXIS ghi lại. (Ảnh: NASA).
"Theo kiểm tra ban đầu của chúng tôi, chưa có vật thể nào được ghi nhận ở vị trí đó trong vũ trụ", Branden Allen, nhà khoa học tại Đại học Harvard, người đầu tiên nhận ra điểm đáng chú ý trong dữ liệu của REXIS, cho biết. Các nhà khoa học đặt tên cho hố đen mới là MAXI J0637-430.
Trước đó một tuần, thiết bị trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cũng phát hiện đợt bùng phát tia X từ quỹ đạo Trái Đất thấp. Tuy nhiên, REXIS làm được điều này từ nơi cách xa Trái Đất hàng triệu km, trong lúc bay quanh tiểu hành tinh Bennu. Đây là lần đầu tiên đợt bùng phát tia X như vậy được phát hiện từ vùng không gian giữa các hành tinh, theo NASA.
REXIS do các nhà nghiên cứu và sinh viên tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Harvard chế tạo. "Phát hiện đợt bùng phát tia X là một khoảnh khắc đáng tự hào với nhóm chế tạo REXIS. Điều này nghĩa là thiết bị của chúng tôi đang hoạt động đúng như mong đợi và đáp ứng được yêu cầu về thiết bị khoa học của NASA", Madeline Lambert, sinh viên đang học sau đại học tại MIT, chia sẻ.
Hố đen có thể tạo ra những đợt bùng phát tia X khi hút vật chất từ các sao xung quanh. Hiện tượng này chỉ có thể quan sát từ ngoài không gian vì khí quyển đã che chắn cho Trái Đất khỏi tia X.
Trong khi đó, NASA vẫn dự định đưa tàu Osiris-Rex hạ cánh xuống bề mặt Bennu để nghiên cứu. Nếu nhiệm vụ thành công, con tàu sẽ mang mẫu đất đá từ Bennu trở về Trái Đất vào năm 2023.