Phát hiện hóa thạch dị thường 500 triệu năm tuổi của loài bọ ba thùy
Hóa thạch bọ ba thùy dài 4cm có tên khoa học là Phantaspis auritus, được phát hiện tại tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, có đặc điểm là phần đầu phía trước mở rộng với hai thùy giống như đôi tai thỏ.
Một hóa thạch bọ ba thùy 500 triệu năm. (Ảnh minh họa: sciencemag.org).
Theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Acta Palaeontologica Polonica, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện một hóa thạch bọ ba thùy với phần đầu có hình thái dị thường, có niên đại khoảng 500 triệu năm ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc.
Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh, thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết hóa thạch bọ ba thùy dài 4cm này có tên khoa học là Phantaspis auritus, có đặc điểm là phần đầu phía trước mở rộng với hai thùy giống như đôi tai thỏ.
Bọ ba thùy thuộc nhóm động vật chân đốt đã tuyệt chủng, sống phổ biến ở các đại dương trong khoảng từ 520 triệu năm đến khoảng 250 triệu năm trước.
Việc phát hiện hóa thạch độc đáo này cung cấp cho giới khoa học nhiều kiến thức mới về phạm vi hình thái và nền tảng cấu trúc của phần đầu đặc biệt của loài bọ ba thùy trong kỷ Cambri.
Nhà nghiên cứu Triệu Phương Thần thuộc Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy hóa thạch bọ ba thùy có hình thù kỳ lạ như vậy. Phần đầu kỳ dị thế này có thể giúp nó dọa kẻ thù trong tự nhiên hoặc săn mồi dễ dàng hơn".