Phát hiện hóa thạch loài khủng long mới tại Tây Ban Nha
Theo một báo cáo nghiên cứu được Khoa Khoa học thuộc trường Đại học Lisbon (FCUL) công bố ngày 4/9, nhà cổ sinh vật học người Bồ Đào Nha Pedro Mocho cùng các cộng sự đã xác định được một loài khủng long chân thằn lằn (sauropod) mới, sống cách đây 75 triệu năm.
Loài khủng long mới này có tên khoa học là "Qunkasaura pintiquiniestra", được xác định thông qua phân tích các mẫu hóa thạch khai quật trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Madrid - Levante ở thành phố Cuenca (Tây Ban Nha).
Phần xương còn sót lại của loài khủng long Qunkasaura pintiquiniestra. (Ảnh: eurekalert).
Theo các nhà khoa học, những hóa thạch này là một phần trong các bộ sưu tập quan trọng nhất về động vật có xương sống tồn tại ở giai đoạn cuối kỷ Phấn trắng ở châu Âu, được khai quật tại di chỉ khảo cổ Lo Hueco ở Cuenca.
Nhà cổ sinh vật học Mocho - làm việc tại Viện Dom Luiz của FCUL - cho biết hóa thạch khủng long trên thuộc nhánh các loài sauropod cỡ trung bình-lớn, cho thấy nhánh này đã đến Bán đảo Iberia muộn hơn so với các loài khủng long khác.
Theo FCUL, hóa thạch Qunkasaura pintiquiniestra này là một trong những hóa thạch khủng long chân thằn lằn hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy ở châu Âu, bao gồm đốt sống từ cổ, lưng xuống đến đuôi, cùng các phần thuộc xương chậu và các chi.
Tên gọi của loài khủng long này được đặt theo các tham chiếu về địa lý và văn hóa của Cuenca, tôn vinh cả lịch sử của khu vực và di sản của họa sĩ người Tây Ban Nha Antonio Saura. Chúng có thân hình khá đồ sộ, cổ dài và đầu tương đối nhỏ. Một phần bộ xương của chúng đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ sinh vật học Castilla - La Mancha ở Cuenca.
- Cuộc sống của khủng long đến nay nếu không tuyệt chủng
- Phát hiện khủng long ăn cỏ mới ở Úc dài 15 mét, nặng gần 20 tấn
- Phát hiện hóa thạch khủng long khổng lồ tại Argentina