Phát hiện hóa thạch thực vật 300 triệu năm tuổi
Mẫu vật hóa thạch hiếm được tìm thấy tại khu tự trị Nội Mông hé lộ bí mật về cuộc chạy đua tiến hóa ở thực vật có hạt.
Trong báo cáo trên Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, nhóm nghiên cứu quốc tế từ Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh (Trung Quốc) và Đại học Birmingham (Anh) cho biết, hóa thạch mới - thuộc bộ Noeggerathiales - là thành viên tiến hóa cấp cao của nhóm thực vật có hạt.
Hóa thạch Noeggerathiales hoàn chỉnh 300 triệu năm tuổi. (Ảnh: Reuters).
Noeggerathiales bao gồm những loài thực vật đã tuyệt chủng mọc từ than bùn, sống cách đây khoảng 325 đến 251 triệu năm. Sự hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ giữa chúng với những nhóm thực vật khác vẫn còn rất hạn chế do thiếu các mẫu vật được bảo quản tốt.
Trước đây, Noeggerathiales được cho là có quan hệ họ hàng gần với dương xỉ - nhóm thực vật có mạch sinh sản qua bào tử (không có hạt và hoa). Tuy nhiên, hóa thạch mới lại chỉ ra chúng liên quan mật thiết hơn với nhóm thực vật có hạt.
Mẫu vật Noeggerathiales ở Nội Mông vẫn còn giữ được tình trạng tốt là nhờ được bảo quản trong lớp tro núi lửa dày tới 66 cm, thứ đã bao phủ cả đầm lầy và ngăn thực vật thối rữa.
Từng được coi là loài cụt trong quá trình tiến hóa, Noeggerathiales giờ đây được công nhận là thực vật tiến hóa cấp cao với cấu trúc lá hình nón phức tạp. Tuy nhiên, bộ thực vật này cũng không thể chống chọi lại những biến đổi môi trường và khí hậu khắc nghiệt cách đây 251 triệu năm và tuyệt chủng cùng với toàn bộ hệ sinh thái đầm lầy trên toàn cầu.
"Số phận của Noeggerathiales là một lời nhắc nhở rõ ràng về những gì có thể xảy ra ngay cả đối những dạng sống tiên tiến nhất trước sự thay đổi nhanh chóng của môi trường", Tiến sĩ Jason Hilton từ Viện Nghiên cứu Rừng của Đại học Birmingham, đồng tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh.
- "Ngôi sao David" là gì? Tại sao người ta lại hay chọn xăm biểu tượng này?
- Loại cá vừa ngon lại rất tốt cho gan luôn sẵn có ở chợ Việt
- Một Mặt trăng y hệt Trái đất tạo ra sự sống giống 2,8 tỉ năm trước?