Phát hiện hơn 350 loài động thực vật mới tại Himalaya
Các nhà khoa học cho biết đã phát hiện hơn 350 loài động thực vật mới tại vùng núi đông Himalaya, tuy nhiên hiện tại chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng do những tác động của sự biến đổi khí hậu, theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ngày 10-8.
Trong số hơn 350 loài mới được phát hiện này, có 244 loài thực vật, 16 loài lưỡng cư, 16 loài bò sát, 14 loài cá, 2 loài chim, 2 loài động vật có vú và ít nhất 60 loài động vật không xương sống. Chúng được các nhà khoa học WWF khám phá trong hơn 10 năm qua (1998-2008) tại vùng núi đông Himalaya - một trong những nơi có đa dạng sinh học cao nhất thế giới - trải dài từ Vương quốc Bhutan tới đông bắc Ấn Độ, xa hơn nữa về phía bắc Myanmar, Nepal và phần lãnh thổ phía nam khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc.
Ông Mark Wright, cố vấn khoa học của WWF cho biết: “Môi trường sống tại vùng núi đông Himalaya dễ bị tổn thương do những tác động của sự biến đổi khí hậu. Dân số tăng nhanh, nạn phá rừng, chăn thả gia súc, săn bắn trộm, buôn bán thương mại động vật hoang dã, khai thác mỏ, sự ô nhiễm và phát triển thủy điện quá mức cũng đã góp phần gia tăng sức ép tới hệ sinh thái mỏng manh của khu vực.
"Hiện chỉ còn 25% diện tích vùng núi đông Himalaya giữ được môi trường sống nguyên vẹn và có đến 163 loài sinh sống tại vùng này đang bị đe dọa trên toàn cầu”, ông cho biết thêm.
Do vậy, WWF đang yêu cầu chính phủ các nước trên cam kết hợp tác trong việc nỗ lực bảo vệ môi trường sống tại khu vực địa lý giàu có sự sống này.
Một số loài động thực vật mới được khám phá tại vùng núi đông Himalaya:
Rắn độc Pitviper xanh lục (Trimeresurus gumprechti) được tìm thấy ở độ cao hơn 400m, xung quanh khu vực Putao, bắc Myanmar vào năm 2002. Con trưởng thành có thể phát triển chiều dài tới 130cm
Ếch Leptobrachium smithi được xác nhận là một loài mới vào năm 1999, được khám phá tại vùng đất thấp rừng nhiệt đới bang Assam, Ấn Độ. Loài ếch chỉ dài chừng vài cm này khá đặc biệt bởi có đôi mắt vàng to phồng ra, trông rất sắc sảo và chói lọi.
Bò cạp Heterometrus nepalensis là một trong ba loài bò mới được mô tả vào năm 2004 tại Vườn quốc gia Chitwan, Nepal. Phát hiện này đặc biệt quan trọng bởi từ trước đến nay nó là một trong những loài bò cạp đầu tiên được khám phá tại Nepal. Nó dài 8cm, phần lưng hơi đỏ và đuôi nhọn có màu nâu đỏ chứa nhiều chất độc
Cá đầu rắn có đốm cam Channa aurantimaculata đặc hữu chỉ được tìm thấy trong phạm vi những dòng suối nhỏ, những đầm lầy gần kề và khu vực sông Brahmaputra thuộc vùng rừng mưa nhiệt đới bắc Assam, Ấn Độ. Loài cá dài khoảng 40cm này được khám phá trong năm 2000, nổi bật với những sọc màu đỏ tía và da cam chạy dọc theo cơ thể, khá hung dữ và con mồi ưa thích của nó là các loài cá nhỏ và những động vật không xương sống
Chim hét châu Á Liocichla bugunorum chỉ sống trong phạm vi giới hạn 2km2 tại vùng rừng núi phía đông Himalaya có nhiều cây bụi và cây nhỏ, ở độ cao từ 2.000 đến 2.350m
Phong lan Coelogyne pantlingii, được tìm thấy ở bang Sikkim, Ấn Độ
Tôm Macrobrachium agwi dễ nhận dạng bởi có màu nâu đỏ tía được mô tả trong năm 2008 sau khi phát hiện chúng tại vùng Cooch Behar, vịnh Bengal, Ấn Độ

Những hình ảnh chân thực nhất về "quái vật sông Amazon"
Không có đôi nanh nhọn hoắt cũng như nọc độc chết người, nhưng trăn Anaconda vẫn là một cái tên khiến tất cả phải rùng mình sợ hãi khi nghĩ đến.

44 sự thật đầy thú vị về loài khỉ mà bạn chưa biết
Khỉ được xem như một trong những “họ hàng” gần nhất của loài người, và hầu hết chúng ta đều tin rằng mình biết rõ về người “họ hàng” này. Tuy nhiên, những thông tin sau đây có thể làm bạn bất ngờ về loài động vật thông minh, hoạt bát này.

10 loài săn mồi nguy hiểm nhất
Kĩ năng săn mồi, những bộ hàm, móng vuốt sắc nhọn và nọc độc chết người “trời phú” đã biến các động vật này thành những kẻ săn mồi đẳng cấp.

Rắn độc bị mất đầu vẫn tự cắn chính mình
Thông thường, một con rắn bị chặt đầu thì các chức năng trên cơ thể nó cơ bản đã ngừng hoạt động nhưng nó vẫn còn một số phản xạ. Điều đó có nghĩa rằng rắn vẫn có khả năng cắn và tiêm nọc độc ngay khi đầu nó đứt lìa khỏi thân.

Vẻ đẹp của các loài rắn Việt Nam
Ở Việt Nam chỉ khoảng 30 loài có nọc độc chết người sống trên đất liền và 22 loài rắn biển.

Những sự thật bất ngờ về loài gấu Koala
Gấu Koala, hay gấu túi (tên khoa học: Phascolarctos cinereus) là một loài thú có túi ăn thực vật sống tại Úc và là loài vật duy nhất hiện còn sống trong họ Phascolarctidae.
