Phát hiện "Kunga" 4.500 tuổi, "quái vật" đầu tiên lai giữa 2 loài khác nhau

Người Lưỡng Hà đã tái hợp 2 sinh vật đã tách loài từ lâu trên cây gia đình để tạo ra một quái vật Chimera của riêng họ, khiến các nhà khoa học hiện đại cũng phải bối rối.

Theo tiến sĩ Eva-Maria Geigl, nhà di truyền học từ Viện Jacques Monod (Paris, Pháp), một trong các thành viên của nhóm nghiên cứu quốc tế, các bộ xương Kunga đã được khai quật tại Syria, được xác định là sinh vật mà người Lưỡng Hà cổ đại dùng để kéo những cỗ xe ngựa chiến.


Kunga của người Lưỡng Hà, một quái vật Chimera trong đời thực - (Ảnh: Đại học John Hopkins)

Nhưng quá trình phân tích xương đã hoàn toàn gây bối rối. "Đó là một động vật giống ngựa nhưng không phải, không phù hợp với số đo của lừa hay của một loài hoang dã bản địa gọi là lừa hoang Syria" - tiến sĩ Geigl nói.

Cuối cùng, họ đã phải phân tích DNA từ những bộ xương 4.500 tuổi này và cho ra một kết quả gây sốc: đó là sinh vật lai giữa 2 loài, hiện nay đã không còn tồn tại trên thế giới, một kiểu "quái vật Chimera". Quái vật Chimera là một sản phẩm tưởng tượng trong thần thoại Hy Lạp, mang các bộ phận cơ thể từ các loài khác nhau vì là "con lai".

Cụ thể, người Lưỡng Hà cổ xưa đã dùng lừa cái nhà lai với lừa hoang Syria đực, hay còn gọi là hemione, tuy cũng gọi là lừa nhưng là một loài khác biệt so với lừa nhà, đã tách loài trên cây gia phả từ rất lâu.

Theo Live Science, các ghi chép cổ đại coi sinh vật lai này, được gọi là "Kunga" là những con thú cao cấp và rất đắt tiền. Cũng giống như những động vật lai khác như la, người ta phải ép buộc lừa hoang Syria đực giao phối với những con lừa cái nhà. Nhưng khác với những con la, Kunga có thể hình rất đẹp và cao lớn, nên được dùng để thay chiến mã trên những cỗ xe.

Quá trình lai giống này được cho là rất khó khăn bởi lừa hoang Syria là một loài khỏe mạnh, chạy rất nhanh và không thể thuần hóa. Chưa kể Kunga cũng vô sinh như la, nên mỗi con sinh ra đòi hỏi một lần cưỡng ép giao phối vất vả khác. Có thể đó là lý do Kunga đắt đỏ, theo tờ Sicence Alert.

Nghiên cứu vẫn gây tranh cãi vì lừa hoang Syria có thể hình nhỏ trong khi Kunga lại cao lớn gần như ngựa. Kunga dường như đã tuyệt tích theo nền văn minh Lưỡng Hà còn lừa hoang Syria thì cũng đã tuyệt chủng. Cá thể cuối cùng đã chết vào năm 1927 tại vườn thú Tiergarten Schonbrunn ở Vienna, Áo.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã phải đối chiếu bộ gene với xương của một con lừa hoang Syria 11.000 tuổi được khai quật trước đó. Tuy nhiên chính bộ xương 11.000 tuổi này cho thấy lừa hoang Syria từng lớn hơn nhiều cá thể đã chết trong vườn thú và rất có thể nó vẫn còn to lớn cho đến thời văn minh Lưỡng Hà, nên là "người cha" hợp lý của Kunga.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Sicence Advances.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất