Phát hiện loài cá ở nơi sâu nhất, tương đương bị 1.600 con voi đè lên
Cảnh quay được thực hiện bởi một thiết bị tự động thả xuống Rãnh Izu-Ogasawara, phía nam Nhật Bản, BBC đưa tin hôm 2/4.
Kỷ lục
Giáo sư Alan Jamieson, chuyên gia hàng đầu về đáy biển tại Đại học Western Australia, nói rằng con cá ốc này có thể đã ở độ sâu tối đa mà loài cá có thể sống sót, hoặc rất gần độ sâu đó.
Lần quan sát cá ở độ sâu kỷ lục trước đây được thực hiện ở vị trí cách mặt biển 8.178m, xa hơn về phía nam Thái Bình Dương trong rãnh Mariana. Do đó, khám phá này đánh bại kỷ lục đó và sâu hơn 158m.
“Nếu kỷ lục độ sâu này còn có thể bị phá vỡ thì chỉ có thể sâu hơn được vài mét”, giáo sư Jamieson nói với BBC.
Giáo sư Alan Jamieson là người tiên phong trong việc dùng các thiết bị thả xuống đáy biển để khám phá biển sâu. (Ảnh: Fivedeeps.com).
Ông Jamieson từng đưa ra dự đoán 10 năm trước rằng loài cá này có thể sẽ được tìm thấy ở độ sâu 8.200-8.400 m. Một thập kỷ khám phá và điều tra trên toàn cầu đã xác nhận điều này.
Con cá Pseudoliparis được quan sát chưa trưởng thành. Nó được quay bằng một hệ thống camera gắn vào bộ khung nặng được thả từ mạn tàu DSSV Pressure Drop. Các nhà khoa học đã gắn mồi vào khung để thu hút sinh vật biển.
Mặc dù con cái ốc nói trên không được đưa lên để xác định đầy đủ thông tinh, một số con cá ốc khác từng bị bắt ở vùng nước cao hơn một chút ở Rãnh Nhật Bản gần đó tại độ sâu 8.022 m. Chúng đã lập kỷ lục về loài cá ở vùng biển sâu nhất từng bị bắt.
Tương đương bị 1.600 con voi đè lên
Cá ốc thực sự là một sinh đáng chú ý. Chúng có hơn 300 loài, hầu hết sống ở vùng nước nông và có thể được tìm thấy ở các cửa sông.
Một số con cá ốc thuộc chi Pseudoliparis được bắt ở vùng biển sâu 8.022m. (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Biển sâu Minderoo-UWA).
Nhưng có các chi cá ốc cũng đã thích nghi với cuộc sống ở vùng nước lạnh ở Bắc Cực và Nam Cực, cũng như trong điều kiện áp suất khắc nghiệt tồn tại ở các rãnh sâu nhất thế giới.
Ở độ sâu 8km, chúng phải chịu sức ép hơn 80 megapascal, hoặc gấp 800 lần áp suất ở bề mặt đại dương. Các nhà khoa học ước lượng áp lực nước này tương đương bị 1.600 con voi đè lên.
Việc không có bong bóng, cơ quan chứa đầy khí để kiểm soát sức nổi, như nhiều loài cá khác, được cho là mang lại lợi thế cho cá ốc.
Tương tự, cách tiếp cận thức ăn cũng bổ trợ cho khả năng chịu sức ép phi thường đó. Cá ốc là loài hút thức ăn và tiêu thụ các loài giáp xác nhỏ, trong đó có rất nhiều trong các rãnh.
Giáo sư Jamieson cho rằng việc phát hiện ra một loài cá sống sâu hơn những loài được tìm thấy ở Rãnh Mariana có lẽ là do vùng nước ấm hơn một chút của Izu-Ogasawara.
Ông nói: “Chúng tôi đã dự đoán loài cá sâu nhất ở đó và chúng tôi dự đoán đó sẽ là một con cá ốc”.
“Tôi cảm thấy thất vọng khi mọi người nói với tôi rằng chúng tôi không biết gì về biển sâu. Và chúng tôi đã hành động. Mọi thứ đang thay đổi rất nhanh”, vị chuyên gia cho hay.
Tới nay, gần một phần tư đáy biển của Trái đất đã được lập bản đồ.
Giáo sư Jamieson là người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Biển sâu Minderoo-UWA. Trong chuyến thám hiểm nói trên, cũng là chuyến khám phá Rãnh Ryukyu, ông đã làm việc với một nhóm từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hàng hải Tokyo.
Tàu DSSV Pressure Drop với tàu ngầm có tổ lái Limiting Factor từng được nhà thám hiểm Mỹ Victor Vescovo sử dụng năm 2018 và 2019 để viếng thăm các khu vực sâu nhất của 5 đại dương trên Trái đất.
Tàu DSSV Pressure Drop nay do Inkfish sở hữu và được đổi tên thành Dagon. (Ảnh: Fivedeeps.com).
Nhà thám hiểm đến từ Texas này đã trở thành người đầu tiên trong lịch sử thực hiện chuyến lặn sâu nhất, và giáo sư Jamieson lúc đó giữ vai trò nhà khoa học trưởng của ông.
Con tàu và chiếc tàu ngầm đã được bán vào năm ngoái cho tổ chức nghiên cứu biển Inkfish và được gửi đi tái trang bị ở San Diego.
Chúng cũng đã được đổi tên - con tàu hiện là Dagon và tàu ngầm là Bakunawa - và sẽ quay trở lại biển vào tháng 6 với giáo sư Jamieson một lần nữa đóng vai trò là nhà khoa học trưởng.
Các nhà khoa học dùng mồi để dụ sinh vât biển tới trước camera của thiết bị quan sát. (Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Biển sâu Minderoo-UWA).
Giáo sư Jamieson, sinh ra ở Scotland, được ghi nhận là người đã phát hiện ra không chỉ loài cá sâu nhất trong đại dương trên Trái đất mà còn cả bạch tuộc, sứa và mực ở nơi sâu nhất từng được ghi nhận.
- Loài cá sống ở độ sâu gần 8km dưới đáy biển
- Tìm thấy "cá ốc sên" trong suốt cực hiếm nơi biển sâu
- Nhật Bản phát hiện cá ở rãnh sâu 8.178m dưới biển