Phát hiện mới này có thể sớm khiến rác nhựa trên đại dương biến mất nhanh chóng
Sự thật chẳng thể chối cãi, đó là các đại dương hiện đang có quá nhiều rác nhựa, và đều là do lỗi của con người.
Nhưng cũng may, con người giờ đã nhận ra sai lầm của mình và cũng đang cố gắng khắc phục. Một mặt, các quốc gia đang tìm cách hạn chế lượng rác thải ra. Mặt khác, các nhà khoa học thì đang tìm kiếm những giải pháp xử lý được lượng rác còn tồn đọng hiện nay.
Rác thải nhựa trên đại dương đang là vấn nạn nghiêm trọng của cả thế giới.
Và theo như một nghiên cứu mới đây, đáp án có thể đến từ một nguồn cực kỳ bất ngờ. Các chuyên gia cho biết họ đã tìm ra một số loài vi khuẩn có khả năng ăn được nhựa dưới biển, cho phép số rác nhựa hiện tại "bay màu" sau một khoảng thời gian như Thanos sau cú búng tay của Iron Man vậy.
Nghiên cứu do các chuyên gia từ ĐH Kỹ thuật đảo Crete của Hy Lạp thực hiện. Họ muốn tìm hiểu xem các loài vi khuẩn tích tụ như thế nào khi rác nhựa xuất hiện, và tham gia vào quá trình phân giải nhựa ra sao. Dù quá trình này thực sự rất dài, nhưng các nhà khoa học tin rằng chúng ta có thể lợi dụng nếu có thêm hiểu biết về nó.
Khi nhựa lọt ra đại dương, nó sẽ bị phong hóa bởi một loạt các yếu tố phi sinh học - tia UV, nhiệt độ, và tác động mài mòn của nước biển. Chúng sẽ khiến nhựa dần phân giải thành các mảnh nhỏ hơn, cỡ micro và nano. Tuy nhiên, các yếu tố này cần một chất xúc tác.
"Các yếu tố phi sinh học xuất hiện và kích thích quá trình phân hủy sinh học, vì chúng tạo ra nhóm carbonyl trên bề mặt nhựa. Vậy nên, sẽ có những sinh vật tồn tại trên đó, sử dụng carbonyl làm nguyên liệu để tiếp tục quá trình này" - trích lời Evdokia Syranidou, tác giả nghiên cứu.
Để biết được hiệu quả xử lý nhựa của các vi sinh vật, nhóm chuyên gia đã thu thập một số mảnh rác nhựa làm từ nhựa PE (polyethylene) và PS (polystyrene) trên 2 bãi biển tại Hy Lạp. Họ cắt chúng thành những mảnh nhỏ, rồi ngâm vào dung dịch nước muối để mô phỏng lại môi trường biển.
Các mảnh nhựa sau đó được tiếp xúc với với 2 loại vi khuẩn: một loại tự nhiên lấy từ đại dương, và một loại đã được biến đổi gene để dễ bám vào bề mặt nhựa hơn.
Sau 5 tháng, người ta đo trọng lượng của các mảnh nhựa và thu được kết quả rất bất ngờ: nhóm vi khuẩn tự nhiên đã bào mòn nhựa PS xuống 11%, nhựa PE xuống 7%. Trong khi đó, nhóm khuẩn biến đổi gene không ăn nhiều nhựa, dù độ bám thì hiệu quả hơn.
Các loại vi khuẩn đã từng tiếp xúc với nhựa trước đó cũng cho khả năng ăn nhựa tốt hơn.
Và đặc biệt, các loại vi khuẩn đã từng tiếp xúc với nhựa trước đó cũng cho khả năng ăn nhựa tốt hơn.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia tìm kiếm loại vi khuẩn có khả năng giải quyết nhựa. Với mỗi kiến thức thu được - dù nhỏ đến đâu - cũng có thể giúp chúng ta tạo nền tảng cho một bước đột phá lớn sau này. Chẳng hạn như việc kết hợp bộ gene để vi khuẩn bám tốt hơn, qua đó giúp chúng ăn nhựa hiệu quả với tốc độ nhanh hơn chẳng hạn.
"Việc thu hẹp khoảng cách giữa giả thuyết và thực tế sẽ giúp chúng ta tạo ra những phương pháp xử lý nhựa toàn vẹn và bền vững hơn".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hazardous Materials.