Phát hiện nghĩa địa của 75 con cá voi trong sa mạc
Các nhà khoa học đã vô cùng bối rối trong việc lý giải nguyên nhân dẫn tới cái chết của 75 con cá voi trong một sa mạc cách biển gần 1km.
>>> Hình ảnh: Nghĩa địa cá voi cổ đại
Nghĩa địa cá voi này được coi là một trong những nghĩa địa cá voi thời tiền sử được bảo tồn tốt nhất từ trước tới nay với 20 bộ hài cốt hoàn toàn còn nguyên vẹn. Nghĩa địa gồm có 75 bộ hài cốt của cá voi sống trên Trái Đất từ 2 triệu năm trước được phát hiện vào tháng 6/2010 trong một dự án mở đường cao tốc.
Một bộ hài cốt cá voi tiền sử được tìm thấy trong sa mạc ở Chile
Hầu hết đó là hóa thạch của cá voi sừng tấm dài khoảng 8m. Ngoài ra còn có hài cốt của một loài cá heo đã tuyệt chủng từng được phát hiện ở Peru trước đó.
Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học bối rối nhất khi phát hiện ra nghĩa địa này đó là làm các nào mà gần 100 con cá voi thời tiền sử, và dự kiến sẽ còn phát hiện thêm nhiều hơn nữa, đa số trong đó có kích cỡ bằng chiếc xe bus, lại cùng chết tại một góc của sa mạc Atacama ở Chile.
Theo phỏng đoán của các nhà nghiên cứu, có thể những con cá voi này đã tập trung lại trong một vịnh nước và động đất đã khiến vịnh nước này bị cô lập với đại dương, khô cạn theo thời gian và làm những con cá voi cổ đại bị mắc kẹt tới chết; hoặc có thể do một trận bão lớn đã đem lũ cá voi này lên bờ và bỏ lại đó.
Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm thêm bằng chứng để khẳng định các giả thuyết của mình.