Phát hiện quả trứng nguyên vẹn sau cả nghìn năm
Các nhà khảo cổ học CH Séc trong khi khai quật một thị trấn hồi trung thế kỷ đã phát hiện trên vùng đất đang đào bới này một quả trứng gà cổ có niên đại 1200 tuổi.
Quả trứng ngàn năm tuổi
Tặng phẩm cho đời sau của một “cụ” gà mái được tìm thấy trong khu nghĩa trang của thị trấn Velikomoravia, nằm gần thành phố Znoimo ngày nay. Sau 12 thế kỷ, quả trứng đã hoá đá, nhưng được bảo quản ở trạng thái tuyệt vời.
Một quả trứng gà như thế này đã được giữ nguyên vẹn trong suốt 1000 năm.
(Ảnh minh họa).
Nó được cất kỹ trong một cái hũ bằng sành, đậy kín như một vật tùy táng đặt tại một trong các ngôi mộ thuộc khu nghĩa trang, hẳn là của một ông chủ một trại chăn nuôi gà muốn mang một chút kỷ niệm khi sang thế giới bên kia.
Ngoài trứng, các nhà nghiên cứu còn phát hiện những đồ trang sức, những vũ khí và nhiều di vật có ý nghĩa về mặt nhân chủng học, trong số đó có cả di vật của một phụ nữ quý tộc mà các nhà khảo cổ gọi là “Người đàn bà ma quái”.
Các nhà khoa học cho biết trong vùng chôn cất của nghĩa trang khá lớn này có khoảng 500 ngôi mộ, trong đó 350 ngôi đã được khai quật.
Vài lời bình vui nho nhỏ:
Tiếc là quả trứng đã hoá đá chứ nếu không, chắc nó đã được các nhà khoa học cho ấp thử để xem con “gà cổ” nở ra trông thế nào và phân tích ADN để phân biệt với những con gà hiện đại.
Ít nhất quả trứng cũng gây ra tranh luận nảy lửa giữa các nhà khoa học, xem nó có thực “cổ” không hoặc do ai đó nghịch ngợm đã bỏ một quả trứng gà công nghiệp Tam Hoàng của Trung Quốc vào hố khai quật.
Trên cơ sở đó, các vị có lý do xin vài trăm triệu “cua-ron” kinh phí mang ra nước ngoài xác định niên đại, rồi sau đó tổ chức “hội thảo khoa học” đưa ra lý lẽ để tranh khôn, tranh giỏi với nhau.
Biết đâu, đề tài còn được mở rộng với chủ đề “trứng có trước hay gà có trước”, lôi cuốn cả các nhà triết học vào cuộc để dân chúng xem “diễn trò” mà quên béng mấy vụ bê bối đang xảy ra trong xã hội Séc.