Phát hiện răng người 8.500 năm tuổi dùng làm trang sức
Những chiếc răng có độ mòn trên bề mặt được cho là của người khoảng 30 - 50 tuổi, đục lỗ nhỏ để làm vòng cổ hoặc vòng tay.
Hai chiếc răng được đục lỗ nhỏ để làm trang sức. (Ảnh: Fox News).
Các nhà khoa học tìm thấy ba chiếc răng với dấu vết bị đục thủng tại khu khảo cổ Çatalhöyük, Thổ Nhĩ Kỳ, trong giai đoạn 2013-2015. Sau khi tiến hành nhiều phân tích, họ xác định hai trong số đó từng được xâu thành chuỗi hoặc làm mặt dây chuyền, Fox News hôm nay đưa tin.
"Người xưa đục lỗ hai chiếc răng bằng mũi khoan nhỏ hình nón, tương tự với công cụ dùng để đục hàng loạt xương động vật và đá làm chuỗi hạt mà chúng tôi tìm thấy tại Çatalhöyük. Ngoài ra, chúng còn có dấu vết hao mòn do thường xuyên được dùng làm bộ phận của vòng cổ hoặc vòng tay", Scott Haddow, nhà khảo cổ tại Đại học Copenhagen, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Nhiều khả năng hai chiếc răng được lấy từ những người trưởng thành sau khi họ qua đời. Độ mòn trên mặt nhai cho thấy họ khoảng 30-50 tuổi. Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng của tập tục này ở vùng Cận Đông thời tiền sử.
"Vì tập tục này vô cùng hiếm nên chúng tôi nghĩ rất có thể những chiếc răng không chỉ là đồ trang sức mà còn mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc nào đó với người đeo", Haddow nói.
Đây là một trong số những phát hiện đáng chú ý về con người thời kỳ Đồ Đá trong vài năm gần đây. Năm ngoái, các nhà khoa học Thụy Điển phát hiện nhiều sọ người 8.000 năm tuổi cắm trên cọc gỗ để thực hiện một nghi thức thời Đồ Đá. Năm 2017, nhóm chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, sọ người có thể từng được dùng để trang trí một đền thờ cổ.
- Phát hiện mới về nguồn gốc bệnh nha khoa ở người tiền sử
- Dù không ăn đường, uống nước có ga nhưng người cổ đại vẫn bị sâu răng?