Phát hiện rãnh nứt khổng lồ tại sông băng Nam Cực
Một rãnh nứt lớn với chiều dài gần 30km đã được phát hiện trên một sông băng ở Nam Cực và đây là dấu hiệu cho thấy một núi băng trôi khổng lồ với kích thước lớn hơn thành phố New York sắp hình thành.
>>> Video: Phát hiện rãnh nứt ở sông băng Nam Cực
Rãnh nứt khổng lồ nhìn từ trên máy bay của NASA.
Trong khi thực hiện một cuộc khảo sát Nam Cực từ trên không, các nhà khoa học đã tình cờ phát hiện rãnh nứt trên tại sông băng Pine Island nằm ở phía tây Nam Cực. Pine Island cũng là một trong những sông lớn nhất Nam Cực.
Các nhà khoa học trên một máy bay DC-8 của NASA đang thực hiện việc đo đạc sông băng Pine Island và thềm băng của nó thì nhìn thấy rãnh nứt hôm 14/10.
Nhóm chuyên gia của NASA đo được rãnh nứt dài khoảng 29km, rộng 79m. Vị trí rộng nhất của rãnh nứt vào khoảng 250m và điểm sâu nhất là gần 61m. Thềm băng quanh rãnh nứt dày khoảng 500m.
“Chúng tôi thực sự đang chứng kiến cảnh rãnh nứt xảy ra như thế nào”, Michael Studinger, một nhà khoa học thuộc dự án khảo sát Nam Cực mang tên Chiến dịch IceBridge của NASA, nói.
Rãnh nứt trên sẽ tách một khối băng khổng lồ ra khỏi sông băng. NASA dự báo rằng khi quá trình tách hoàn tất, một núi băng trôi với diện tích 880km2 sẽ hình thành, lớn hơn diện tích thành phố New York (780km2).
Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua một hiện tượng như vậy xảy ra tại sông băng Pine Island. Trước đó, một vết nứt lớn cũng được phát hiện tại sông băng này và sau đó đã “sinh ra” một núi băng trôi khổng lồ hồi năm 2001.
Các sông băng thường “đẻ” ra các núi băng trôi. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại rằng nhiệt độ ấm lên có thể làm mất ổn định các sông băng ở Nam Cực và Greenland bằng việc làm xói mòn các thềm băng, vốn gắn liền với lục địa.
Nếu không có các thềm băng, các sông băng sẽ chảy ra biển nhanh hơn, làm cho mực nước biển dâng lên.
Các nhà khoa học gọi Pine Island là “nguồn lớn nhất khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên”, NASA cho biết trong một tuyên bố.
NASA dự đoán rằng một tảng băng khổng lồ cuối cùng sẽ ra vỡ ra khỏi sông bang Pine Island trong những tháng tới do Nam Bán Cầu đang bước vào mùa hè.
Nhưng nếu núi băng trôi có hình thành thì diện tích 880km2 cũng không phải là một kỷ lục tại Nam Cực. Một vài núi băng trôi khác trước đó đã vượt trên vài nghìn km2 và kỷ lục thuộc về núi băng trôi khổng lồ lên tới 31.400 km2 được phát hiện năm 1956.

Bí ẩn thác nước chảy vào "Chiếc ấm của Quỷ dữ"
Thác nước đôi Devil’s Kettle, thuộc bang Minnesota, Hoa Kỳ, có một dòng chảy vào hồ Superior; tuy nhiên, điểm đến của dòng kia đến bây giờ vẫn còn là một ẩn số của thiên nhiên…

Khu rừng dưới nước tuyệt đẹp ở Kazakhstan
Hồ nước Kaindy dài 400m ở Kazakhstan có một vẻ đẹp rất đặc biệt với một khu rừng kỳ lạ mọc dưới đáy hồ.

Vì sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa?
Khí hậu nước ta rất độc đáo: khí hậu nóng nhưng không khô hạn như Tây Nam Á, Bắc Phi. Nóng ẩm nhưng không nóng ẩm quanh năm như các quần đảo ở Đông Nam Á.

Sự thật về những chiếc cốc giấy dùng 1 lần
Các loại cốc giấy dùng 1 lần đang được rất nhiều người ưa dùng vì tính tiện dụng và nhanh gọn. Song sự thật về chúng không phải ai cũng biết.

6 hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp chỉ có vào mùa đông
Sấm tuyết, hoa sương đá, sương băng cứng... là những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đến không ngờ.

7 điều ít biết về cầu vồng
Hai người cùng quan sát không thể nhìn thấy sắc màu giống nhau từ cùng một chiếc cầu vồng hay có thể dùng kính phân cực để làm "cầu vồng" biến mất, là hai trong số nhiều điều thú vị về hiện tượng thiên nhiên đẹp mắt này.
