Phát hiện siêu Trái đất ở cách 120 năm ánh sáng
Hành tinh TOI-1266 c lớn gấp 1,5 lần Trái đất và mất 11 ngày để hoàn thành một vòng quanh sao chủ.
Mô phỏng hệ sao bao gồm 2 hành tinh TOI-1266 b và c. (Ảnh: Mark Garlick).
Đầu năm nay, kính viễn vọng SAINT-EX ở Mexico do trung tâm NCCR PlanetS của Đại học Bern, Thụy Sĩ, vận hành phát hiện hai ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao TOI-1266 ở cách Trái đất 120 năm ánh sáng. Nghiên cứu của giáo sư vật lý thiên văn Brice-Olivier Demory ở Đại học Bern và cộng sự công bố hôm 2/10 trên tạp chí Astronomy and Astrophysics cung cấp những hiểu biết đầu tiên về đặc điểm của hệ sao này.
So với các hành tinh trong Hệ Mặt trời, TOI-1266 b và c ở gần ngôi sao chủ hơn nhiều. Chúng chỉ mất lần lượt 11 và 19 ngày để quay quanh sao chủ. Tuy nhiên, do TOI-1266 lạnh hơn hẳn Mặt trời, nhiệt độ của hai hành tinh không quá cao. Hành tinh ở ngoài cùng có nhiệt độ tương đương sao Kim, dù ở gần sao chủ hơn 7 lần so với khoảng cách giữa sao Kim và Mặt trời. TOI-1266 b và c có mật độ tương tự nhau. Thành phần cấu tạo của chúng có thể bao gồm một nửa là đá và kim loại và nửa còn lại là nước. Điều này khiến cho hai hành tinh có khối lượng đất đá giống Trái đất hoặc sao Kim. Hành tinh ở phía trong là TOI-1266 có đường kính lớn gấp 2,5 lần Trái đất, thuộc nhóm "tiểu sao Hải Vương", còn hành tinh ở ngoài cùng là TOI-1266 c lớn gấp 1,5 lần Trái đất, nằm trong nhóm "siêu Trái đất".
"Những hành tinh có kích thước trong khoảng giữa TOI-1266 b và c khá hiếm gặp, do ảnh hưởng của bức xạ mạnh từ ngôi sao làm xói mòn khí quyển của chúng", Yilen Gómez Maqueo Chew, điều phối viên dự án SAINT-EX, nhà nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Mexico, cho biết.
- Tại sao bão ở Việt Nam lại hay vào miền Trung?
- Thái y cũng là nam nhân, tại sao Hoàng đế lại không hề lo lắng khi phái họ đến hậu cung xem bệnh cho các phi tần?
- Các nhà vật lý phát hiện ra nguồn năng lượng mới còn mạnh mẽ hơn cả bom hạt nhân