Phát hiện số lượng cá nhiều chưa từng thấy dưới vùng biển Clarion Clipperton

Các nhà hải dương học từ Mỹ và Anh phát hiện số lượng cá nhiều chưa từng thấy trong chuyến thám hiểm vùng biển Clarion Clipperton.

Vùng Clarion Clipperton (CCZ) nằm trên đường đứt gãy chính của Thái Bình Dương, trải dài khoảng 7240km từ Hawaii đến Mexico. Những ngọn núi ngầm tại đây, có thể cao tới 3.000m, là một trong những môi trường ít được khám phá nhất trên Trái đất.

Trong một chuyến thám hiểm do Đại học Hawaii, Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey của Mỹ và Trung tâm Hải dương học Quốc gia (NOC) của Anh phối hợp thực hiện, các nhà hải dương học đã báo cáo phát hiện số lượng cá nhiều chưa từng thấy tại vùng biển sâu thẳm này, gấp đôi kỷ lục được ghi nhận trước đó.


Một đàn cá chình lớn xuất hiện tại vùng biển Clarion Clipperton. (Ảnh: Astrid Leitner/Jeff Drazen).

Sử dụng tàu lặn có người lái, nhóm nghiên cứu đã ghé thăm ba trong số các ngọn núi ngầm ở CCZ và vùng đáy biển bằng phẳng xung quanh chúng. Trong số những sinh vật được camera ghi lại, đáng chú ý có một đàn cá chình lên tới 115 con. Dựa vào một số mẫu vật bị mắc bẫy, các nhà khoa học đã có thể xác định chúng là Ilyophis arx, một loài cá chình mũi nhọn rất ít được biết tới với chưa đến 10 mẫu vật trong các bộ sưu tập cá trên toàn thế giới.

Những sinh vật thon dài này được quan sát thấy ở trên đỉnh của tất cả các ngọn núi ngầm, nhưng vắng bóng tại đáy biển bằng phẳng xung quanh. Đây là bằng chứng cho hiệu ứng vực thẳm, nơi những ngọn núi cao dưới đại dương hỗ trợ số lượng động vật cao hơn nhiều so với các môi trường sống khác. Ilyophis arx có khả năng chỉ cư trú tại các ngọn núi ngầm.

"Khám phá mới thực sự khiến chúng tôi kinh ngạc", tác giả chính của nghiên cứu Astrid Leitner từ NOC nhấn mạnh. "Chưa từng có báo cáo về số lượng cá nhiều như vậy ở vùng biển Clarion Clipperton, nơi có nguồn thức ăn rất hạn chế".

Chi tiết nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Oceanographic Research Papers vào hôm 17/11.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất