Phát hiện thêm khả năng đáng sợ của cây ăn thịt tại Bắc Mỹ
Cây cối trên đời này không chỉ an nhiên hưởng thái bình, mà còn có cả những loài thực vật biết ăn thịt nữa. Thậm chí, chúng còn được xem là những loài săn mồi đầy cơ hội và tàn nhẫn: chỉ cần lơ là, con mồi sẽ chết ngập trong bể dịch tiêu hóa đầy acid, để rồi chết một cách từ từ và vô cùng đau đớn.
Dẫu vậy thì trừ các cây tại vùng nhiệt đới, như cây nắp ấm khổng lồ Nepenthes rajah của Malaysia có thể săn chuột, hầu hết các loài cây săn mồi thường chỉ nhắm đến côn trùng nhỏ. Tuy nhiên theo một khám phá mới đây, có một loài cây ăn thịt khác sống tại Canada cũng có khả năng săn và tiêu hóa động vật có xương sống. Và điều ngạc nhiên nằm ở chỗ, loài cây này có kích cỡ nhỏ hơn Nepenthes rajah rất nhiều.
Sarracenia purpurea purpurea L.
Loài cây có danh pháp khoa học là Sarracenia purpurea purpurea L., cũng thuộc họ nắp ấm. Chúng sinh sống trong một khu công viên hết sức thanh bình tại Ontario, Canada - nơi thường xuyên có những nhà sinh vật học ghé thăm. Tuy nhiên, khả năng của chúng lại do một sinh viên ngành sinh vật học tên Teskey Baldwin phát hiện ra, chứ không phải nhà khoa học tiếng tăm nào cả.
Đó là một ngày vào năm 2017, khi Baldwin phát hiện ra cây nắp ấm đang bẫy một chú thằn lằn con. Như đã nêu, việc săn động vật có xương sống đối với họ nắp ấm phổ biến ở vùng nhiệt đới, nhưng lại rất hiếm đối với họ cây ăn thịt sống tại phương Bắc. Bởi vậy, Baldwin đã rất ngạc nhiên, và từ đó các chuyên gia bắt đầu thực hiện nghiên cứu sâu hơn về loài cây này.
Cây nắp ấm đang bẫy một chú thằn lằn con.
Các nhà khoa học từ ĐH Guelph và ĐH Toronto đã thừ kiểm tra hàng trăm cá thể cây nắp ấm trong 4 khảo sát khác nhau. "Về tổng thể, có khoảng 8 con thằn lằn được tìm thấy bên trong các cây nắp ấm vào năm 2017. Trong cuộc khảo sát năm 2018, con số tăng lên thành 35 con." - báo cáo nghiên cứu cho biết.
Trong 2 cuộc khảo sát cuối cùng, có đến 20% các cây được kiểm tra có chứa xác của thằn lằn bên trong. Chủ yếu là loài thằn lằn đen vàng (Ambystoma maculatum), con non có kích cỡ bằng ngón tay người. Thậm chí, có những cây bắt một lượt 2 - 3 con thằn lằn cùng lúc.
Trải nghiệm kinh dị của nạn nhân
Những gì xảy ra khi bị một cây nắp ấm bắt quả thực là bi kịch. Trong vòng 3 ngày, con mồi sẽ yếu dần, chuyển từ trạng thái quẫy đạp rất dữ dội đến giai đoạn mất ý thức vì acid và hơi nóng bên trong. Có điều, thời khắc chúng trút hơi thở cuối cùng phải là 19 ngày sau.
Nói cách khác, nạn nhân của cây nắp ấm phải đựng cái chết hết sức chậm rãi, không khác gì tra tấn. Sau khi chết, cái xác sẽ bị phân hủy nhờ enzyme tiêu hóa của cây - kéo dài khoảng 10 ngày, tạo ra chất dinh dưỡng nuôi cây. Quá trình này có thể tạo ra mùi hôi thối cực kỳ đặc trưng.
Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một vấn đề, đó là làm sao lũ thằn lằn lại dễ dàng chui đầu vào rọ đến vậy? Chúng ta có thể bỏ qua yếu tố "tai nạn", vì tỷ lệ thấy thằn lằn là rất cao.
Về điểm này, các nhà khoa học cho biết họ chưa có câu trả lời chuẩn xác, nhưng một vài giả thuyết đã được đưa ra. Đầu tiên, có thể là vì thằn lằn ngã khi muốn tóm lấy những con côn trùng mà loài cây này thường ăn. Một giả thuyết khác có thể là do chúng bị mắc kẹt khi muốn trốn khỏi các loài săn mồi khác.
"Khi đang núp mà cái cây bị kẻ nào đó tấn công, lũ thằn lằn thường ngay lập tức chui thẳng xuống đáy cây, để rồi nhận ra bản thân ngập trong dịch tiêu hóa" - các chuyên gia giải thích
"Chúng sẽ liên tục bơi một cách điên loạn, cho đến khi mối nguy kết thúc. Tuy nhiên, sinh mạng của chúng kể từ lúc đó cũng coi như không còn".
Một con thằn lằn có thể cung cấp đủ lượng nitrogen để nuôi sống 3 cây nắp ấm.
Và nhìn chung, xác của những con thằn lằn này là một nguồn dinh dưỡng cực kỳ quý giá - mà cụ thể là nitrogen. Các chuyên gia cho biết, một con thằn lằn có thể cung cấp đủ lượng nitrogen để nuôi sống 3 cây nắp ấm.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Scientific Naturalist.