Phát hiện thú vị về cá heo khi lặn
Trước khi lặn, cá heo làm nhịp tim chậm lại để tiết kiệm oxy và tránh hội chứng giảm áp, đôi khi được gọi là "những khúc cua".
Theo một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Frontiers in Physiology, cá heo có thể điều chỉnh nhịp tim tùy thuộc vào thời gian chúng ở dưới nước.
Để rút ra kết luận này, các nhà khoa học nghiên cứu ba con cá heo mũi chai đực. Chúng được huấn luyện để nín thở trong những khoảng thời gian khác nhau.
Nhóm nghiên cứu sử dụng một thiết bị tùy chỉnh để theo dõi nhịp thở của cá heo, đồng thời gắn các cảm biến điện tâm đồ để theo dõi nhịp tim của chúng.
Cá heo thay đổi nhịp tim trước khi nhịn thở. (Ảnh: UPI)
"Chúng tôi huấn luyện những con cá heo nhịn thở dài, thở ngắn và nín thở. Khi được yêu cầu nín thở, nhịp tim của chúng giảm xuống trước hoặc ngay khi chúng bắt đầu nín thở. Chúng tôi cũng quan sát thấy rằng những con cá heo giảm nhịp tim nhanh hơn khi chuẩn bị cho một lần nín thở dài, so với những con khác", Andreas Fahlman - nhà nghiên cứu tại Fundación Oceanogràfic cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng so sánh khả năng giảm nhịp tim của cá heo với khả năng làm chậm nhịp thở của con người.
“Điều này cho phép chúng bảo tồn oxy trong quá trình lặn và cũng có thể là chìa khóa để tránh các vấn đề liên quan đến lặn như bệnh giảm áp", Fahlman cho hay.
Nghiên cứu trên giúp các nhà bảo tồn sinh vật biển hiểu rõ hơn về tác động của các hoạt động của con người và ô nhiễm tiếng ồn đối với hành vi và sức khỏe của các loài động vật có vú.
"Nếu khả năng điều hòa nhịp tim này là quan trọng trong việc tránh hội chứng giảm áp và việc tiếp xúc đột ngột với âm thanh bất thường khiến cơ chế này không hoạt động, chúng ta nên tránh những nhiễu động lớn đột ngột. Thay vào đó có thể từ từ tăng mức độ tiếng ồn theo thời gian để gây ra căng thẳng tối thiểu", ông Fahlman đề xuất.
- Ký sinh trùng cổ đại biến khủng long thành xác sống
- Truy tìm kho báu khổng lồ của “vua hải tặc” Samuel Bellamy
- Dãy núi Himalaya hình thành như thế nào?