Phát hiện tiểu hành tinh có số ngày trong năm ít nhất

Các nhà thiên văn học tại Viện Công nghệ California đã phát hiện một hành tinh nhỏ bất thường, với "năm" ngắn nhất từng được biết đến đối với một hành tinh.

Theo một công bố của Caltech ngày 8/7, hành tinh bằng đá này, được đặt tên là 2019 LF6, chỉ có kích cỡ khoảng 1km và một vòng quay quanh Mặt Trời chỉ kéo dài 151 ngày.


Mô tả của một nghệ sĩ về một tiểu hành tinh. (Ảnh: space.com).

Một nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Caltech, ông Ye Quanzhi cho biết LF6 rất bất thường cả về quỹ đạo cũng như về kích cỡ. Trong quỹ đạo của nó, hành tinh 2019 LF6 chuyển động qua sao Kim (Venus) và đến gần Mặt Trời hơn sao Thủy (Mercury). 

2019 LF6 là một trong số chỉ 20 tiểu hành tinh "Atira", loại hành tinh có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời hoàn toàn nằm bên trong quỹ đạo của Trái đất. LF6 được phát hiện thông qua camera tối tân ZTF tại Trạm quan sát Palomar, có thể quét toàn bộ bầu trời mỗi đêm để tìm các vật thể lướt qua, như các ngôi sao nổ tung và các tiểu hành tinh đang di chuyển.

Để phát hiện các tiểu hành tinh Atira, đội ZTF đã dốc sức tiến hành chiến dịch quanh sát mang tên Twilight, trong quãng thời gian chỉ khoảng 20-30 phút trước khi Mặt Trời mọc hoặc sau khi Mặt Trời lặn, vốn phù hợp nhất để quan sát các tiểu hành tinh.

Ngoài các tiểu hành tinh Atira, đến nay ZTF cũng đã phát hiện khoảng 100 tiểu hành tinh gần Trái Đất và khoảng 2.000 tiểu hành tinh quay quanh Vành đai Tiểu hành tinh (Main Belt), có quỹ đạo nằm giữa sao Hỏa (Mars) và sao Mộc (Jupiter).        

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất