Phát hiện vật thể cỡ Trái Đất, nhưng trắng toát và… biết "hút máu"
Ngôi sao lùn trắng quay nhanh nhất trong lịch sử thiên văn vừa được xác định. Nó to cỡ Trái Đất và là một "ma cà rồng vũ trụ".
Nhóm khoa học gia gồm nhiều viện - trường ở Brazil, Mỹ và NASA, đứng đầu bởi tiến sĩ Raimundo Lopes de Oliveira từ Đại học Liên bang Sergipe (Brazil) đã xác định được J2056, một sao lùn trắng siêu tốc có thể tự quay quanh trục khoảng 29 giây mỗi vòng.
Cũng như các sao lùn trắng khác, J2056 có thể có tiền thân là một ngôi sao cỡ Mặt Trời, nhưng về cuối đời đã hết năng lượng và sụp đổ thành một vật thể chỉ bằng Trái Đất. Nhưng "trái đất màu trắng" này cực kỳ nguy hiểm.
Mô tả về một "ma cà rồng vũ trụ" đang hút máu bạn đồng hành - ảnh đồ họa từ NASA/CXC/M.Weiss.
Theo nghiên cứu, J2056 đã sở hữu tốc độ đáng kinh ngạc nhờ cấu hình từ trường đặc biệt của mình. Thông thường các ngôi sao tương tự bị kìm hãm tốc độ quay do từ trường mạnh làm chậm chuyển động khi tương tác với đĩa bồi tụ xung quanh. Từ trường của J2056 cực yếu, do đó đã biến nó thành quái vật.
Sao lùn trắng này đang tích cực "hút máu" một ngôi sao đỏ khổng lồ, vốn là bạn đồng hành của nó từ khi còn "sống". Đây không phải là lần đầu tiên một hệ nhị phân với một sao lùn trắng và một ngôi sao lớn được phát hiện. Trong vai trò một "ma cà rồng", sao lùn trắng sẽ ngốn ngấu vật chất cho đến khi "vỡ bụng" và phát nổ. Ngôi sao bị hút máu cũng có quỹ đạo cực nhanh (1,76 giờ mỗi vòng quay).
Điểm đặc biệt khác của hệ thống là sao lùn trắng này vừa quay vừa phát ra tia X mạnh mẽ, điều mà các nhà khoa học chưa lý giải được.
Theo các tác giả, sao lùn trắng kích cỡ Trái Đất này có thể đại diện cho một lớp sao hoàn toàn mới. Họ vẫn đang nỗ lực truy tìm để cố hiểu xem khi còn sống, ngôi sao này trông như thế nào.
Nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên arXiv.org và đang được xét duyệt để đăng tải chính thức trên The Astrophysical Journal.
- Ngôi sao di chuyển nhanh nhất quanh hố đen với vận tốc 24.000km mỗi giây
- Lần đầu tiên phát hiện hành tinh màu hồng