Phát hiện vò khổng lồ chứa hài cốt 2.000 năm tuổi

Các nhà khảo cổ Pháp khai quật ở xã Île-Rousse trên hòn đảo Địa Trung Hải Corsica và phát hiện hơn 40 ngôi mộ có niên đại từ giữa thiên niên kỷ đầu tiên.


Một chiếc vò chứa hài cốt trong nghĩa trang trên đảo Corsica. (Ảnh: INRAP).

Hài cốt của các cá nhân được mai táng ở nghĩa trang cổ đại nằm phía sau nhà thờ của thị trấn. Quá trình khai quật diễn ra trước khi bắt đầu một dự án xây dựng. Nhóm chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Khảo cổ Quốc gia Phép (INRAP) được cử tới ngôi làng nhỏ để tìm kiếm bằng chứng về hoạt động của con người qua quá khứ tại các khu vực không thể tiếp cận trong tương lai gần. Phát hiện khảo cổ trước đây quanh vùng Île-Rousse rất ít ỏi, vì vậy họ không kỳ vọng nhiều vào dự án mới. Nhưng kết quả khai quật nghĩa trang ở Corsica hé lộ ở đây còn nhiều phát hiện đang chờ khám phá.

Khảo sát sơ bộ do INRAP tiến hành năm 2019 tìm thấy bằng chứng về hơn chục khu chôn cất. Những cuộc khai quật gần đây nhất bắt đầu hồi tháng 2 năm nay, tập trung vào hai khu đất hứa hẹn nhất. Trong lúc tiếp tục khai quật mộ cá nhân, nhóm khảo cổ nhận thấy thay vì chôn trong quan tài, đa số hài cốt đặt trong vò sứ hai quai cao.

Về cơ bản, những chiếc vò này đóng vai trò như vật chứa hàng hóa lỏng và khô. Chúng được dùng để chứa sản phẩm du nhập tới Corsica từ Carthage (ngày nay là Tunisia) giữa thế kỷ 4 và 7. Rượu, dầu olive và muối do người Corsica mua từ các thương nhân Carthage với số lượng lớn, có nghĩa rất nhiều vò hai quai được tái sử dụng làm nơi yên nghỉ cuối cùng cho người chết. Đáng chú ý là một số ngôi mộ đá còn được gia cố bằng vật liệu đất nung. Các nhà nghiên cứu nhận định đó là một loại gạch ngói gắn liền với kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại.

INRAP xác nhận sẽ tiếp tục các nghiên cứu khảo cổ và nhân chủng học ở Île-Rousse.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất