Phát hiện xác bọ kẹt trong hổ phách 99 triệu năm
Việc tìm thấy bọ cánh lông kích thước nhỏ từ thời khủng long giúp giới nghiên cứu hiểu hơn về quá trình tiến hóa của một số loài côn trùng.
Các nhà khoa học phát hiện sinh vật dài 0,536mm trong mảnh hổ phách 99 triệu năm, Newsweek hôm 11/6 đưa tin. Nó được gọi là Kekveus jason, trong đó Jason là tên một anh hùng theo thần thoại Hy Lạp.
Bọ tí hon nằm trong mảnh hổ phách từ thời khủng long. (Ảnh: Field Museum).
Kekveus jason sở hữu cánh lông giống với một số loài bọ hiện nay. Có thể nhóm nghiên cứu sẽ không tìm ra sinh vật tuyệt chủng từ lâu này nếu thiếu hổ phách. Côn trùng nhỏ rất mỏng manh và không có xương, chúng hiếm khi hóa thạch theo cách giống các động vật lớn như khủng long. Hổ phách hay nhựa cây hóa thạch giúp bảo vệ và lưu giữ rất tốt dấu tích của một số động thực vật cổ đại.
Nhóm nghiên cứu chỉ đặt tên chi tạm thời cho con bọ mới phát hiện. Họ cho rằng sau này có thể xếp nó vào một chi khác. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng xác định nó thuộc Ptiliidae, họ động vật gồm nhiều loài bọ cánh lông hiện đại.
Phát hiện mới giúp con người hiểu thêm về quá trình tiến hóa của Ptiliidae. Nó cho thấy một số thành viên trong nhóm này trở nên rất nhỏ ít nhất từ giữa kỷ Phấn Trắng. Khủng long sống cách đây khoảng 254 - 66 triệu năm. Do đó, mảnh hổ phách chứa Kekveus jason hình thành trong thời đại khủng long sinh sống.
"Con bọ tí hon này sống trong kỷ Phấn Trắng. Nó đã gặp những con khủng long thật. Mảnh hổ phách với con bọ kẹt bên trong giống như một hộp thời gian vậy", chuyên gia Shuhei Yamamoto tại bảo tàng Field nhận xét.