Phát triển hệ thống thu giữ CO2 nhanh nhất thế giới
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Tokyo Metropolitan phát triển hợp chất mới loại bỏ carbon dioxide trong không khí hiệu quả 99% và nhanh gấp đôi những hệ thống hiện nay.
Hệ thống thu giữ CO2 mới cho hiệu quả lọc khí cao ở tốc độ nhanh. (Ảnh: Depositphotos)
Công nghệ thu thập không khí trực tiếp (DAC) thường loại bỏ carbon dioxide bằng cách dẫn không khí hoặc khí thải qua một loại máy lọc hoặc chất xúc tác nào đó, bao gồm bọt biển từ tính, bọt zeolite hoặc vật liệu làm từ đất sét hay bã cà phê. Những phương pháp khác sục khí trong chất lỏng, giúp hấp thụ CO2 hoặc phân tách thành tinh thể rắn hay mảnh vụn, gọi là hệ thống phân tách pha lỏng - rắn. Hợp chất mới thuộc nhóm thứ hai.
Trong khi nghiên cứu một loạt hợp chất amin lỏng, nhóm nghiên cứu phát hiện một hợp chất có tên isophorone diamine (IPDA) đặc biệt hiệu quả trong việc thu giữ CO2 từ không khí với mật độ 400 ppm, tương đương mật độ trong khí quyển hiện nay. Quá trình cũng xảy ra nhanh hơn nhiều so với những kỹ thuật thu giữ carbon khác, loại bỏ 201 millimole CO2 mỗi giờ. Tốc độ này nhanh gấp đôi các hệ thống DAC khác trong phòng thí nghiệm và nhanh hơn hẳn thiết bị lá nhân tạo.
Chất gây ô nhiễm tách thành axit carbamic rắn ở dạng vụn mỏng, có thể tách khỏi chất lỏng tương đối dễ dàng. Nếu cần, thành phẩm có thể biến đổi trở lại dạng khí CO2 bằng cách nung nóng tới 60 độ C, đồng thời giải phóng chất lỏng IPDA ban đầu để sẵn sàng tái sử dụng. Bất kể lưu giữ ở thể rắn hay thể khí, carbon có thể được lưu trữ hoặc tái sử dụng trong các quá trình công nghiệp hoặc hóa học.
Hiện nay, các nhà khoa học đang tìm cách cải tiến hệ thống và khám phá cách sử dụng carbon tốt nhất sau khi thu giữ từ không khí. Họ công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí ACS Environmental Au hôm 10/5.
- Phát hiện dấu tích của "rồng tử thần" sống cách đây 86 triệu năm
- Liệu có phải trùng hợp: Tất cả các hố đen vũ trụ đều trông như bánh rán donut, bất kể kích cỡ ra sao
- Nghiên cứu chỉ ra "lỗ hổng" trong học thuyết của Darwin về tiến hóa