Phương pháp đánh giá trách nhiệm khí thải cácbon giữa các quốc gia
Chỉ vài tháng trước khi các lãnh đạo cấp cao trên toàn thế giới gặp mặt để đưa ra một hiệp ước về thay đổi khí hậu, một nhóm nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của các nhà khoa học thuộc Đại học Princeton đã phát triển một cách mới để chia trách nhiệm về khí thải cácbon giữa các nước.
Theo các nhà khoa học phương pháp này rất công bằng và họ hy vọng nó sẽ nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia đã và đang phát triển, các lãnh đạo cấp cao tại các đất nước này đã thảo luận trong nhiều năm về sự thiếu công bằng của những đề xuất trước đó.
Theo các tác giả, phương pháp này sử dụng một lý thuyết công bằng dựa trên “trách nhiệm thông thường nhưng được phân biệt rõ ràng” của các cá nhân, chứ không phải các quốc gia.
Trong phần giới thiệu, nhóm nghiên cứu nói: “Đề xuất của chúng tôi đi xa hơn việc xem xét lượng khí thải theo đầu người, tiến tới nhận biết những cá nhân gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới, có mặt trên khắp các nước”. Các tác giả bao gồm Stephen Pacala, giáo sư về Sinh vật học tiến hóa và sinh thái học; và Robert Socolow, giáo sư về kỹ thuật cơ khí và không gian vũ trụ. Khái niệm của Pacala và Socolow về “các mũi nhọn cân bằng”, một chiến lược đưa ra những phương pháp thiết thực để ngăn ngừa sự giải phóng khí nhà kính trên toàn thế giới trong 5 thập kỷ tới, được mô tả trong “Một sự thật không dễ chấp nhận” - bộ phim của Phó tổng thống Al Gore năm 2006 về thay đổi khí hậu. Khái niệm này đã đem lại cho cộng đồng chính sách thay đổi khí hậu một đề tài chung để thảo luận về việc làm thế nào giảm thiểu sự giải phóng khí thải và cho phép sự so sánh giữa các chiến lược cắt giảm cácbon khác nhau.
Các tác giả chính của bài báo là nhà vật lý học Shoibal Chakravarty và nhà kinh tế học Massimo Tavoni, cả hai là học giả nghiên cứu tại Học viện môi trường Princeton, trung tâm đa chuyên ngành nghiên cứu, giáo dục về môi trường của Đại học.
Pacala, giám đốc học viện, cho biết: “Nhóm nghiên cứu đã làm việc cùng với nhau để hình thành nên một phương pháp mới cho vấn đề nhức nhối này”.
Đề xuất sử dụng lượng khí thải theo cá nhân như công cụ tốt nhất và công bằng nhất để tính toán trách nhiệm của một quốc gia nhằm kiềm chế lượng cácbon đioxit, các tác giả cho biết. Phương pháp này không có nghĩa rằng từng cá nhân sẽ bị lọc ra, mà những tính toán đó sẽ hình thành cơ sở cho một công thức hợp lý hơn. Một số chiến lược hiện tại sử dụng mức trung bình của năng lượng sử dụng trong một nước được cho là không công bằng, vì những phương pháp này che dấu lượng khí thải thực sự của những nước giàu có và gây ô nhiễm nhiều.
Một nhóm nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của các nhà khoa học thuộc Đại học Princeton đã phát triển một cách mới để chia trách nhiệm về khí thải cácbon giữa các nước. (Ảnh: NyTimes) |
Chakravarty nhấn mạnh rằng một lượng khí thải lớn xuất phát từ lối sống sử dụng máy bay, ô tô và điều hòa nhiệt độ: “Hầu hết khí thải trên thế giới đến từ những cư dân giàu có của thế giới, bất chấp quốc tịch. Chúng tôi ước lượng rằng trong năm 2008, một nửa lượng khí thải của thế giới là từ khoảng 700 triệu người”.
Trong kế hoạch mới này, mục tiêu giảm khí thải đối với từng nước được tính toán theo nhiều bước. Các nhà nghiên cứu sử dụng tương quan giữa thu nhập và lượng khí thải để tính toán lượng khí thải của cá nhân tại các nước. Tiếp theo đó, họ thu thập những yếu tố này để nắm được sự phân bố khí thải của cá nhân trên phạm vi toàn cầu.
Hướng tới năm 2030, các nhà nghiên cứu đã ước lượng lượng khí thải cá nhân rồi lượng khí thải toàn cầu ở thời điểm tương lai dựa trên dự đoán về thu nhập, dân số và sử dụng năng lượng. Họ cho rằng các lãnh đạo cấp cao trên toàn thế giới sẽ quyết định rằng lượng khí thải dự đoán toàn cầu cho đến năm 2030 quá cao, hạ thấp mục tiêu toàn cầu và tìm kiếm phương pháp phù hợp để phân chia một cách hợp lý mục tiêu công việc cho từng quốc gia.
Robyn Eckersley, giáo sư thuộc Trường khoa học xã hội và chính trị thuộc Đại học Melbourne, Úc, chuyên gia về chính trị môi trường và lý thuyết chính trị, cho biết: “Đề xuất này cung cấp một điểm khởi đầu cho việc phá vỡ tình thế bế tắc của việc phân chia trách nhiệm của các quốc gia đã và đang phát triển”.
Các nhà nghiên cứu tin rằng đề xuất mới này sẽ rất hữu ích trong việc hình thành “ngưỡng giới hạn” về khí thải mà cá nhân không nên vượt quá. Nếu chính phủ của các quốc gia đồng ý cắt giảm lượng khí thải để lượng cácbon năm 2030 vẫn giữ nguyên mức độ hiện nay thì theo tính toán của các nhà nghiên cứu, sự cắt giảm cần thiết khí thải toàn cầu có thể thực hiện đuợc nếu không có cá nhân nào có lượng khí thải vượt quá 11 tấn cácbon dioxit một năm. Qua việc tính lượng khí thải của tất cả các cá nhân được dự đoán sẽ vượt quá ngưỡng đó, các nhà lãnh đạo cấp cao có thể cung cấp mức giảm khí thải mục tiêu cho tất cả các nước. Trong trường hợp này, đến năm 2030 sẽ có 1 tỷ người có lượng khí thải cao như vậy trong số 8,1 tỷ người.
Ở thời điểm hiện tại, lượng cácbon đioxit được thải ra theo đầu người một năm vào khoảng 5 tấn. Mỗi người châu Âu tạo ra 10 tấn khí thải một năm, trong khi lượng khí thải của mỗi người Mỹ gấp đôi con số đó.
Ottmar Edenhofer, chủ tịch Kinh tế học thay đổi khí hậu tại Đại học kỹ thuật Berlin đồng thời là đồng chủ tịch của Nhóm làm việc III, Hội đồng liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC), cho biết: “Những con số này cho thấy những đất nước công nghiệp hóa phải đi đầu trong công cuộc giảm thiểu lượng khí thải của mình. Tuy nhiên, phần thắng trong cuộc chiến chống lại sự thay đổi khí hậu chỉ đạt được nếu các quốc gia cùng hợp tác và hành động". IPCC được thành lập bởi Liên hợp quốc năm 1988 để cung cấp chỉ dẫn và lời khuyên về chính sách trước nguy cơ thay đổi khí hậu. Nhóm làm việc là lựa chọn để đánh giá việc giảm nhẹ tác động của thay đổi khí hậu qua việc hạn chế sự giải phóng khí nhà kính.
Bài báo nghiên cứu mới cho thấy hoàn toàn có thể giảm nghèo đói và khí thải cácbon cùng một lúc. Các tác giả tính toán rằng giải quyết nghèo đói qua việc cung cấp nhu cầu năng lượng cho khoảng 3 tỷ người không hề cản trở mục tiêu giảm sự giải phóng khí thải nhiên liệu hóa thạch. Mức giới hạn phải được giảm xuống, và những người có lượng khí thải cao cần giảm sựt iêu thụ năng lượng để tạo nên sự khác biệt.
Các lãnh đạo cấp cao sẽ nhóm họp tại Copenhagen tháng 12 năm 2009 trong một cuộc hội nghị bàn bạc hiệp ước về cắt giảm khí thải toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu. Hội nghị các quốc gia về thay đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 1992 đã kêu gọi các quốc gia phát triển giảm lượng cácbon thải ra và là tiền đề cho việc tham gia và chấp hành nghị định Kyoto 1997.
Tuy nhiên hội nghị này không đưa ra khung thời gian cho các quốc gia đang phát triển theo sau. Các quốc gia đang phát triển hiện đóng góp hơn một nửa vào khí thải toàn cầu, và tỷ lệ này đang tăng cao, Chakravarty cho biết.
Bài báo chỉ rõ giải pháp cho sự bế tắc giữa các quốc gia đã phát triển và đang phát triển. Các quốc gia đã phát triển kêu gọi những quốc gia đang phát triển chia sẻ một phần gánh năng giảm thiểu khí thải, trong khi các quốc gia đang phát triển chỉ trích những lợi ích kinh tế khổng lồ mà các quốc gia phát triển đã được hưởng, phần lớn đến từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Socolow cho biết: “Các đạo luật và tiền lệ của Liên hợp quốc khiến việc xem xét những gì đang xảy ra bên trong các quốc gia trở nên rất khó khăn. Đó có thể là lý do tại sao đề xuất đơn giản của chúng tôi dựa trên lượng khí thải cá nhân chưa hề xuất hiện. Trong vài thập kỷ tới, những nhà hoạch định chính sách môi trường toàn cầu sẽ cần phải sáng suốt trong việc xem xét các quốc gia đang phát triển. Đề xuất của chúng tôi là bước khởi đầu cho hướng đi này”.
Nghiên cứu là một phần của Dự án giảm thiểu cácbon thuộc Đại học Princeton. Bắt đầu vào năm 2000, dự án này đã đưa ra nhiều giải pháp thực tiễn để quản lý lượng cácbon dioxit thải ra. Dự án này nhằm vào việc giúp đỡ những nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường nhằm đưa ra những giải pháp an toàn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho vấn đề thay đổi khí hậu.
Các tác giả khác của nghiên cứu bao gồm: Ananth Chikkatur thuộc Đại học Havard; và Heleen de Coninck thuộc Trung tâm nghiên cứu năng lượng, Hà Lan.
Tham khảo:
Sharing Global CO2 Emissions Among 1 Billion High Emitters. Proceedings of the National Academy of Sciences, July 7, 2009