Phương tiện siêu vượt âm Mỹ bay nhanh gấp 7 lần âm thanh
Phương tiện thử nghiệm siêu vượt âm BOLT-1B của Không quân Mỹ thực hiện thành công chuyến bay tại Na Uy hôm 2/9.
BOLT-1B cất cánh từ bãi phóng Andoya Space Sub-Orbital, Na Uy, đạt độ cao tối đa 254km, sau đó đâm xuống vùng biển cách bờ khoảng 185 km theo đúng kế hoạch, Interesting Engineering hôm 6/9 đưa tin. Phương tiện đã hoàn thành mọi mục tiêu thử nghiệm và nhóm dự án thu được rất nhiều dữ liệu để phân tích trong những tháng tới. BOLT-1B bay phía trên Biển Na Uy với tốc độ Mach 7,2 (gấp 7,2 lần âm thanh, tương đương khoảng 8.890km/h, cung cấp dữ liệu quan trọng về tính chất vật lý của luồng không khí ở tốc độ siêu vượt âm.
Phương tiện siêu vượt âm BOLT-1B được thử nghiệm nhằm nghiên cứu hiện tượng chuyển đổi lớp ranh giới. (Ảnh: Đại học Johns Hopkins).
Dự án mới do Văn phòng Nghiên cứu Khoa học Không quân Mỹ điều phối và được thực hiện bởi Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins (APL), Ban Giám đốc Hệ thống Hàng không Vũ trụ của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL/RQ), Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR).
Dự án đặt mục tiêu nghiên cứu hiện tượng chuyển đổi lớp ranh giới (luồng không khí xung quanh vỏ của phương tiện siêu vượt âm), làm tăng lực cản của phương tiện siêu vượt âm và sức nóng khí động học. BOLT-1B có nhiều thiết bị để thực hiện hơn 400 phép đo, vị trí lắp đặt được xác định thông qua một nghiên cứu sâu rộng nhằm hiểu rõ hơn về tính chất vật lý của quá trình chuyển đổi lớp ranh giới theo hình dạng của phương tiện.
"Dữ liệu chúng tôi thu thập được từ thử nghiệm bay rất quan trọng để cải tiến các phương pháp thiết kế phương tiện siêu vượt âm trong tương lai, giúp giảm sự không chắc chắn về mô hình và tối ưu hóa hiệu suất của chúng", nhà khoa học Brad Wheaton tại APL, nhà nghiên cứu chính của dự án, cho biết.
Phương tiện siêu vượt âm là những phương tiện di chuyển nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh, hay Mach 5. Luồng không khí luôn là yếu tố then chốt với chuyến bay của loại phương tiện này. Theo Đại học Johns Hopkins, khả năng xác định chính xác xem không khí đang chuyển động theo dạng thẳng (chuyển động theo đường thẳng trơn tru) hay đã chuyển sang dạng rối (cuộn xoáy với khả năng truyền nhiệt gấp 8 lần) vô cùng quan trọng trong việc xác định vật liệu nào cần dùng khi thiết kế tên lửa và máy bay siêu vượt âm. |
- Mỹ thực hiện chuyến bay thử nghiệm của phương tiện siêu vượt âm mới
- 8 trường hợp "vượt thời gian" không có lời giải nổi tiếng thế giới
- Tên lửa siêu vượt âm là gì?