Quả cầu dưới biển nghi là công nghệ của người ngoài hành tinh?
Nhà khoa học Mỹ gốc Israel tìm thấy 10 quả cầu tí hon với cấu tạo và tốc độ khác thường ở vùng biển có thiên thạch rơi năm 2014.
Nhà vật lý thiên văn Avi Loeb tại Đại học Harvard cho rằng mình có thể đã phát hiện bằng chứng về công nghệ ngoài hành tinh từ thiên thạch IM1 rơi xuống ngoài khơi bờ biển Papua New Guinea năm 2014, Business Insider hôm 8/7 đưa tin.
Nhà khoa học Avi Loeb tin rằng những quả cầu tí hon có thể là công nghệ ngoài hành tinh. (Ảnh: Avi Loeb).
Nhóm của Loeb đã làm việc với các nhà chức trách để thiết lập phạm vi 10km mà thiên thạch có thể hạ cánh. Sau đó, họ tới khu vực này để tìm kiếm bằng tàu Silver Star. Các chuyên gia sử dụng nam châm để rà soát đáy biển và phát hiện 10 khối cầu kỳ lạ mà Loeb tin rằng có thể là công nghệ của người ngoài hành tinh. Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ cho biết, gần như chắc chắn các mảnh vỡ này bắt nguồn từ một hệ sao khác.
Phân tích về thành phần cho thấy các quả cầu gồm 84% sắt, 8% silicon, 4% magiê, 2% titan, cùng một lượng nhỏ các nguyên tố khác. Chúng có kích thước chưa đến 1 mm. "Khi quan sát dưới kính hiển vi, chúng trông rất khác biệt với nền xung quanh. Chúng có màu vàng, xanh lam, nâu, một số lại trông giống như mô hình thu nhỏ của Trái đất", Loeb cho biết.
"Chúng tôi đã tính toán tốc độ của chúng bên ngoài Hệ Mặt trời, lên tới 60km mỗi giây. Chúng cấu tạo từ những vật liệu bền chắc hơn cả thiên thạch sắt và di chuyển nhanh hơn 95% tất cả những ngôi sao ở vùng không gian xung quanh Mặt trời. Điều này cho thấy có khả năng đây là tàu vũ trụ của một nền văn minh khác hoặc một thiết bị công nghệ nào đó", ông nói thêm.
Loeb so sánh tình huống này với Voyager, bộ đôi tàu vũ trụ của NASA phóng từ năm 1977 và đến nay vẫn đang lang thang ngoài không gian. Ông hình dung rằng khi Voyager đâm vào một hành tinh xa xôi khác trong một tỷ năm nữa, chúng cũng sẽ lao xuống như thiên thạch.
"Chúng ta sẽ mất hàng chục nghìn năm để thoát khỏi Hệ Mặt trời và đến một ngôi sao khác với công nghệ tàu vũ trụ hiện tại. Khối vật chất này có thể đã mất chừng đó thời gian để đến với chúng ta", Loeb nói.
Loeb được mệnh danh là "thợ săn người ngoài hành tinh của Harvard". Ông là thành viên của Hội đồng Cố vấn Khoa học và Công nghệ của Tổng thống và lãnh đạo Dự án Galileo - dự án chuyên tìm kiếm bằng chứng về người ngoài hành tinh và công nghệ của họ. Ông từng nhiều lần nói rằng 'Oumuamua - vật thể du hành liên sao đầu tiên "ghé thăm" Hệ Mặt trời được phát hiện - có thể là một ví dụ về công nghệ ngoài hành tinh.
- Hố trọng lực khổng lồ dưới Ấn Độ Dương
- Khoa học phát minh ra loại sơn mới, chỉ 1,3 kilogram là đủ để phủ một chiếc Boeing 747
- Tìm ra "tín hiệu sự sống" cách Trái đất 1.000 năm ánh sáng