Tìm ra "tín hiệu sự sống" cách Trái đất 1.000 năm ánh sáng
Kính viễn vọng không gian hồng ngoại Spitzer của NASA đã bắt được tín hiệu của tryptophan giữa một "vườn ươm sao" hứa hẹn có nhiều hành tinh giống Trái đất ra đời.
Tryptophan là một trong 20 axit amin cần thiết để hình thành các protein quan trọng của sinh vật sống trên Trái đất. Tín hiệu của vật liệu sống quan trọng này đã thể hiện qua những vạch quang phổ độc đáo trong dữ liệu quan sát của Spitzer khi hướng về Đám mây phân tử Perseus.
Đám mây phân tử Perseus được Spitzer "nhìn" dưới ánh sáng hồng ngoại - (Ảnh: NASA).
Đám mây phân tử Perseus lại chính là một vườn ươm sao nổi tiếng, có đường kính 500 năm ánh sáng và chứa đựng nhiều ngôi sao trẻ, hứa hẹn trong đó sẽ có nhiều "bản sao" của Mặt Trời, sinh ra những hành tinh giống Trái đất.
Tín hiệu "vàng" này xuất hiện ở khu vực gọi là IC248 của đám mây khí bụi khổng lồ chứa vật chất có khối lượng tương đương 10.000 Mặt Trời.
"Bằng chứng về tryptophan trong Đám mây phân tử Perseus sẽ khuyến khích những nỗ lực xác định các axit amin khác tỏng khu vực này và các khu vực hình thành sao khác" - tờ Space dẫn lời nhà nghiên cứu Susana Iglesias-Groth từ Viện Vật lý thiên văn Canarias (IAC - Tây Ban Nha).
Theo bà, điều thú vị nhất là các khối xây dựng protein này hiện diện phổ biến trong các đám mây khí nơi các ngôi sao và hành tinh sẽ hình thành, khiến nó có thể trở thành chìa khóa cho sự phát triển sự sống trên các hành tinh xa xôi sau này.
Các axit amin lang thang giữa các vì sao như vậy cũng được nhiều nghiên cứu trước đây chứng minh là khởi nguồn của chính sự sống trên Trái đất: Chúng đi vào đĩa tiền hành tinh non trẻ, gieo mầm lên các vật liệu sẽ tạo thành địa cầu hoặc các thiên thạch sau này sẽ rơi xuống địa cầu.
Phát hiện cũng như một cánh cửa sổ mở vào quá khứ sơ khai của hệ sao chúng ta đang cư ngụ, vì vườn ươm sao này ước tính chỉ mới 2-3 triệu năm tuổi, tức những vật thể mà nó sở hữu còn quá "sơ sinh" so với thế giới già cỗi 4,5 tỉ năm tuổi của chúng ta.
Các phát hiện vừa được công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.