Quan tài kỳ lạ: Mộ tặc 9 lần đột nhập đều trở về tay không, kho báu thực sự nằm ở nơi không ai ngờ

Thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc từng là kinh đô của 13 vương triều huy hoàng trong lịch sử Trung Hoa, ghi dấu tên tuổi của nhiều vị hoàng đế, tướng sĩ tài ba.

Ngày này, vô số kho báu vẫn đang được chôn lấp dưới lòng đất nên những công trình sư ở Tây An khi thi công tòa nhà mới luôn vô cùng cẩn trọng. Họ ý thức rằng mình luôn có khả năng đào được một lăng mộ bí ẩn ngàn năm tuổi.


Tây An được mệnh danh là “thành phố cổ mộ” cũng là nơi đặt lăng mộ Tần Thủy Hoàng nổi tiếng. (Ảnh: Reuters).

Nhưng năm 60 của thế kỷ trước, một đội xây dựng đang thi công khu công nghiệp mới tại Tây An thì vô tình đào được một phiến đá xanh.

Nghi ngờ phiến đá là di vật chôn cất từ thời phong kiến, đội xây dựng lập tức trình báo sự việc với Sở Văn hóa địa phương. Khi Sở cử đội khảo cổ tới, các nhà khảo cổ đã nâng phiến đá xanh lên và bất ngờ thay, một lối vào một lăng mộ rộng lớn hiện lên trước mắt.

Chứng kiến cảnh tượng này, đội khảo cổ có mặt ở hiện trường đều vô cùng ngạc nhiên và thích thú, tuy nhiên, vui mừng chưa được bao lâu thì họ phát hiện ra 9 hố đào trộm xung quanh lăng mộ. Lăng mộ này đã bị mộ tặc đột nhập ít nhất 9 lần, nhiều khả năng giờ chỉ còn là hầm mộ trống không.


Cỗ quan tài là thứ duy nhất còn lại trong lăng mộ. (Ảnh minh họa: Sohu).

Đúng như dự đoán, lăng mộ đã bị mộ tặc cuỗm sạch đồ tùy táng, lăng trống hoách, chỉ còn lại duy nhất cỗ quan tài nặng 3 tấn nằm trơ trọi. Có lẽ do những kẻ mộ tặc không thể mang theo trang thiết bị để vận chuyển cỗ quan tài kích thước lớn như vậy đành bỏ mặc nó nằm ở đây.

Các chuyên gia đành tập trung toàn bộ cuộc khai quật vào cỗ quan tài này, đây là một chiếc quan tài không lồ có kích thước lớn hiếm có trong lịch sử.

Bên trong quan tài tìm thấy di cốt của chủ ngôi mộ, được cho là một vị quan tam phẩm từ thời Đường.

Đội khảo cổ quyết định đưa chiếc quan tài về đơn vị để tiếp tục công tác bảo quản và nghiên cứu. Một chiếc cần cẩu đã được huy động để di dời cỗ quan tài, nhưng ngạc nhiên thay, lúc này kho báu mới thật sự hiện ra.

Ngay bên dưới cỗ quan tài 3 tấn là một loạt nhưng pho tượng gốm đời Đường cực kỳ quý giá hay còn gọi là tượng Đường Tam Thể. Sau hơn 1.000 năm chôn cất, hơn 80 bức tượng vẫn được bảo quản ở điều kiện rất tốt.


Đây là kho báu mà những kẻ trộm mộ không thể chạm tới. (Ảnh: Sohu).

Các chuyên gia đều bái phục trí tuệ của chủ nhân ngôi mộ, ông hiểu rất rõ những toan tính của mộ tặc nên không sắp đặt nhiều cạm bẫy cầu kỳ mà đem giấu bảo vật ngay bên dưới cỗ quan tài "không thể dịch chuyển".

Kho báu nằm dưới quan tài nặng 3 tấn

Tại sao trong tất cả vàng bạc châu ngọc được tùy táng trong một lăng mộ, chủ ngôi mộ lại đặc biệt quan tâm bảo vệ những bức tượng Đường Tam Thể? Điều gì khiến chúng đặc biệt đến vậy?

Đường Tam Thể là tên gọi chung cho những món gốm sứ tráng men màu xuất phát từ thời Đường, chủ yếu là các bức tượng gốm sứ. Đúng với cái tên của mình, Đường Tam Thể thường có ba màu sắc chủ đạo là vàng, xanh lục và trắng.


Bức tượng thời Đường mô tả khung cảnh trên con đường tơ lụa. (Ảnh: John Hill).

Quy trình chế tác một bức tượng thời Đường phải trải qua phương pháp nung hai lần rất phức tạp. Khi hoàn thiện, men gốm có hiệu ứng đa sắc sống động và đầy ma lực, thế nhưng chúng chỉ được dùng làm đồ tùy tàng hoặc đồ trang trí chứ ít khi sử dụng trong đời sống do quá giòn, dễ vỡ và khả năng chống thấm kém.

Tạo hình nghệ thuật của các bức tượng Đường Tam Thể phản ánh chân thực phong cách và đặc điểm của xã hội lúc bấy giờ.

Những hình tượng chiến binh tráng kiện, dũng mãnh; binh mã và lạc đà khỏe khắn đã thể hiện đầy đủ sức mạnh của vương quốc cường thịnh đầu nhà Đường. Tượng mỹ nữ với khuôn mặt và thân hình đầy đặn cũng thể hiện quan điểm về cái đẹp ở thời kỳ này.


Tượng mỹ nhân và binh mã thời Đường. (Ảnh: QQ)

Đường Tam Thể được vinh danh là tinh hoa nghệ thuật đời Đường. Thời điểm đó, những bức tượng không chỉ được người dân yêu mến mà còn thu hút cả sứ thần nước ngoài. 

 Đường Tam Thể từng đi theo con đường tơ lụa đến với nhiều đất nước như Indonesia, Iraq, Ai Cập, Triều Tiên, Nhật Bản...

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất