Ra biển chơi, cô gái nhặt được bạch tuộc nhỏ xinh, ai ngờ là hung thần độc hơn cả hổ mang chúa

Hoá ra, con bạch tuộc mà cô gái người Australia nhặt được lại là bạch tuộc đốm xanh, một trong những loài có nọc độc mạnh nhất trên thế giới.

Rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ không có sức phản kháng với những sinh vật nhỏ xinh, nhìn dễ thương. Tuy nhiên, họ không biết rằng, những sinh vật nhỏ bé đôi khi còn nguy hiểm gấp bội lần động vật to lớn.

Mới đây, một cư dân mạng Australia có tài khoản Tiktok là Katapillah đã đăng tải video ghi lại cảnh tượng cô nàng nhặt được một con bạch tuộc mini có màu sắc bắt mắt ở biển.

Trong những hình ảnh lan truyền, Katapillah đặt con bạch tuộc nhỏ nhắn trong lòng bàn tay và không ngừng khen nó dễ thương. Thậm chí, vì quá yêu thích con bạch tuộc này, Katapillah còn lồng nhạc cho video bài hát "Under The Sea", bài hát chủ đề của bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Nàng Tiên Cá".


Hình ảnh mà Katapillah đăng tải.

Không ngờ, sau khi đoạn video được đăng tải, nhiều cư dân mạng tinh mắt đã phát hiện ra con bạch tuộc mini trong tay của Katapillah hóa ra lại là loại bạch tuộc đốm xanh, một loài bạch tuộc cực độc và hung dữ. Họ liên tục nhắc nhở Katapillah phải quăng ngay con bạch tuộc cực độc này đi nếu không muốn mất mạng.

Theo tìm hiểu, bạch tuộc đốm xanh là một trong những loài có nọc độc mạnh nhất trên thế giới. Tuy chỉ có kích thước bằng quả bóng golf nhưng nọc độc của bạch tuộc đốm xanh lại mạnh gấp nhiều lần rắn hổ mang. Cụ thể, lượng nọc độc của một con bạch tuộc đốm xanh có thể lấy đi tính mạng của 26 người trưởng thành chỉ trong vài phút.


Bạch tuộc đốm xanh.

Vết cắn của chúng nhỏ và thường không gây đau đớn, nhiều nạn nhân không hề nhận ra họ đã bị nhiễm độc cho tới khi họ bắt đầu bị giảm áp hô hấp và bị liệt. Đặc biệt, hiện vẫn chưa có huyết thanh kháng độc của bạch tuộc đốm xanh.

Tổ chức bảo vệ môi trường phi lợi nhuận Ocean Conservancy cũng cảnh báo, nếu chẳng may bị bạch tuộc đốm xanh cắn, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như tê liệt cơ toàn thân, suy tim, buồn nôn và cuối cùng là suy kiệt hô hấp. Ngay lúc này, nếu được cấp cứu, hô hấp nhân tạo đến khi có thể tự thở thì hầu hết người bị trúng độc sẽ sống sót, qua 24h sẽ hồi phục dần.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất