Rác trong Thái Bình Dương tăng gấp 100 lần
Một nghiên cứu cho thấy số lượng mảnh rác nhựa siêu nhỏ trôi nổi trên Thái Bình Dương đã tăng 100 lần trong 40 năm qua.
Giới khoa học cho rằng những mảnh rác nhựa ở phía bắc Thái Bình Dương (gọi tắt là NPSG) đã tạo thành một mảng có diện tích gần bằng bang Texas của Mỹ (có diện tích hơn 690.000km2), AFP cho biết.
“Số lượng những mảnh rác siêu nhỏ ở phía bắc Thái Bình Dương đã tăng 100 lần trong vòng 4 thập kỷ qua”, các nhà khoa học của Đại học California tại Mỹ tuyên bố sau khi tìm hiểu mật độ của những mảnh rác siêu nhỏ (có kích thước nhỏ hơn 5mm) trong Thái Bình Dương.
Rác nhựa trôi nổi trên bề mặt đại dương. (Ảnh: Discovery)
Nhóm nghiên cứu khẳng định rằng, từ năm 1972 tới 1987, con người không phát hiện những mảnh rác nhựa siêu nhỏ trên Thái Bình Dương trong những lần lấy mẫu rác.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, mật độ trung bình của rác nhựa siêu nhỏ trong Thái Bình Dương vào khoảng 13.000 mảnh trong mỗi km2. Tuy nhiên, mật độ này đạt mức lớn nhất ở phía bắc của đại dương.
Rác nhựa trở thành nơi cư trú lý tưởng cho một loại côn trùng biển chuyên ăn sinh vật phù du và trứng cá. Loại côn trùng này là thức ăn của chim biển, rùa và cá. Chúng cần một bề mặt cứng để đẻ trứng. Trước đây chúng thường đẻ trứng trên mảnh ván, các loại vỏ cứng của động vật biển, đá bọt. Nhưng ngày nay rác nhựa trở thành nơi sinh sản lý tưởng của chúng.
“Nếu mật độ rác nhựa siêu nhỏ tiếp tục tăng, số lượng côn trùng sẽ tăng theo. Đó là viễn cảnh đáng sợ đối với trứng cá và sinh vật phù du”, các nhà nghiên cứu của Đại học California cảnh báo.