Robot NASA liên tục bắt được “tín hiệu sự sống không mong đợi"

Methane, một trong những dấu hiệu gợi ý về sự sống ngoài hành tinh, đã được tìm thấy một cách đầy vô lý bởi robot Curiosity.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Journal of Geophysical Research: Planets đã tìm ra lời giải thích cho việc một phòng thí nghiệm hóa học di động trên robot Curiosity của NASA liên tục phát hiện ra dấu vết của "khí sự sống" methane (CH4) từ bề mặt Gale Crater ở sao Hỏa.


Cảnh quan Gale Crater mà robot Curiosity đang khảo sát - (Ảnh đồ họa: SCITECH DAILY).

Curiosity, mang hình dáng giống nhân vật hoạt hình Wall-E nổi tiếng, là tàu đổ bộ robot dạng xe tự hành của NASA, hoạt động trên sao Hỏa từ tháng 8-2012 với nhiệm vụ săn tìm sự sống.

Con robot may mắn này là chiến binh đầu tiên phát hiện ra sự tồn tại của các "khối xây dựng sự sống" trên hành tinh đỏ.

Tuy vậy, các bằng chứng từ đó đến nay cho thấy sao Hỏa dường như đã tuyệt chủng và hầu như NASA chỉ mong đợi thu thập được các bằng chứng về sự sống cổ đại.

Vì vậy, khi phòng thí nghiệm di động SAM đặt trong bụng Curiosity phân tích mẫu từ Gale Crater - một hố va chạm cổ đại - và liên tục tìm thấy bằng chứng về methane đang thoát ra, giới khoa học đã bối rối.


Robot Curiostity - (Ảnh: NASA).

Các sinh vật sống tạo ra phần lớn methane trên Trái đất. Vì vậy, từ lâu methane được coi là dấu hiệu của sự sống tiềm năng mà các nhà sinh học vũ trụ vẫn nỗ lực truy tìm dấu vết trong quang phổ của các hành tinh khác.

Nhưng ở Gale Crater hay bất cứ đâu trên sao Hỏa, chưa thiết bị nào phát hiện một sinh vật đang còn sống nào. Vì thế, NASA hoàn toàn không mong đợi methane xuất hiện ở đây.

"Đó là một câu chuyện có nhiều tình tiết bất ngờ” - nhà khoa học Ashwin Vasavada, thành viên nhóm điều hành Curiosity tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA, tiết lộ.

Kết hợp với các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Chuyến bay không gian Goddard của NASA, họ đã lập những mô hình mới và chỉ ra rằng nguồn gốc của methane bất thường có thể là do các cơ chế địa chất liên quan đến nước và đá sâu dưới lòng đất.

Khí này có thể bị phong ấn dưới lớp muối đông đặc hình thành trong lớp regolith của sao Hỏa, một loại "đất" làm từ đá và bụi mịn.

Khi nhiệt độ tăng lên vào những mùa hoặc thời điểm ấm hơn trong ngày, lớp đệm muối yếu đi, methane có thể thoát ra ngoài.

Ngoài ra, khí này cũng có thể bị ép phun ra từng đợt khi một thứ gì nặng đè lên mặt đất - trong trường hợp này chính là những bánh xe của con robot to bằng một chiếc SUV tên Curiosity.

Tuy vậy, ở miệng hố va chạm khác tên Jezero Crater, nơi NASA có một con robot nặng không kém là Perseverance đang hoạt động, không có chút methane nào bị xì ra theo cùng kiểu.

Phát hiện này có thể cho thấy môi trường ở hai khu vực này khác nhau. Bên cạnh đó, cách methane xuất hiện và bị chôn vùi dưới "đất" sao Hỏa vẫn là một điều thú vị cần khám phá. Bởi lẽ, nó sẽ giúp hiểu rõ hơn về môi trường sao Hỏa cổ đại, cũng giúp các nhà khoa học tiến gần hơn đến bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh tiềm năng - cho dù là sinh vật đã tuyệt chủng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất