Rửa tay xà phòng nhưng không diệt được khuẩn, nguyên nhân đơn giản là đây
Xà phòng là vật dụng quen thuộc mỗi khi chúng ta rửa tay hoặc khi muốn làm sạch thân thể.
Ngay từ lớp mẫu giáo, các em nhỏ đã được học cách dùng xà bông để rửa tay, nhằm bảo vệ cơ thể khỏi vi trùng gây bệnh. Thế nhưng tại sao xà phòng lại tiêu diệt được vi khuẩn, giúp chúng ta sạch sẽ hơn, và những trường hợp nào là rửa tay chưa hiệu quả?
Xà phòng khi kết hợp với nước sẽ phá hoại cấu trúc của virus.
Theo TS. Lee Riley, Chủ nhiệm Khoa Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học California (Mỹ), "siêu năng lực" diệt khuẩn của xà phòng được tạo thành ngay từ cấu trúc phân tử của nó. Theo đó, xà phòng khi kết hợp với nước sẽ phá hoại cấu trúc của virus.
Cấu tạo của hầu hết các virus gồm những phân tử chất béo lipid, protein và RNA. Trong đó, mắt xích yếu nhất là các phân tử chất béo. Khi chúng ta dùng xà phòng kết hợp với nước để rửa tay, sẽ tạo ra chất "lưỡng phần" (còn gọi là amphiphile). Chất này có cấu trúc tương tự như chất béo lipid của virus, sẽ xâm nhậm và phá vỡ cấu trúc vốn có của virus, từ đây khiến virus bị tiêu diệt.
Năm 2010, các nhà nghiên cứu đã đánh giá mức độ hiệu quả của xà phòng bằng cách cử 20 tình nguyện viên làm bẩn tay của họ. Sau đó, các đối tượng được phân công ngẫu nhiên để thực hiện 1 trong 3 hành động, gồm: rửa tay bằng xà phòng, chỉ rửa tay bằng nước, và hoàn toàn không rửa tay.
Kết quả cho thấy nhóm đối tượng không rửa tay, vi khuẩn tồn tại trong 44% số người tham gia. Ở những người chỉ rửa tay bằng nước, 23% đối tượng nghiên cứu vẫn còn chứa vi khuẩn ở tay. Trong khi đó, đối với nhóm rửa tay bằng xà phòng và nước, vi khuẩn chỉ được phát hiện ở 8% số người, theo nghiên cứu.
Theo GS. John Swartzberg, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Berkeley, các phân tử của xà phòng thông thường đã rất hiệu quả trong việc loại bỏ và tiêu diệt vi trùng trên tay người, đến nỗi việc sử dụng nước rửa tay diệt khuẩn là giải pháp hoàn toàn không cần thiết.
Tuy nhiên, một yêu cầu quan trọng cần thiết để xà phòng thực hiện công việc của nó lại là điều thường bị bỏ qua, đó là thời gian. Cụ thể, GS. John Swartzberg nhấn mạnh phải mất ít nhất 20 giây để phân tử xà phòng có thể liên kết và phá vỡ cấu trúc của mầm bệnh trên tay, cũng như trên các bề mặt khác.
Nói nôm na, việc rửa tay dưới 20 giây được xem là chưa hiệu quả, đồng nghĩa với việc bạn sẽ bỏ lỡ tác dụng bảo vệ cực kỳ hiệu quả của việc sử dụng xà phòng.
- Rửa tay "đúng chuẩn" với các nguyên tắc không thể bỏ qua
- Hướng dẫn rửa tay đúng cách theo chuẩn của WHO
- Vũ trụ có trung tâm hay không?