Rừng ngập mặn tiếp tục suy giảm
Các dịch vụ hệ sinh thái từ rừng ngập mặn tuy cung cấp và hỗ trợ sinh kế với trị giá ít nhất 1,6 tỷ USD/năm cho cư dân miền biển nhưng lại đang biến mất với tốc độ nhanh chóng, trung bình khoảng 1%/năm. Thậm chí, ở một số khu vực, con số này còn lên đến 2 – 8%.
Thống kê của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) cho biết, từ năm 1980 đến nay diện tích rừng ngập mặn đã bị mất từ 20 – 35%. Tỷ lệ mất rừng cao nhất là ở các nước đang phát triển, nơi rừng ngập mặn thường bị chặt phá để quy hoạch phát triển vùng ven biển, nuôi trồng thủy sản, lấy gỗ hay sản xuất nhiên liệu. Và chỉ trong vòng một thế kỷ qua, diện tích và chất lượng rừng ngập mặn đã giảm nhiều đến nỗi chúng bị cho là đang mất dần những chức năng vốn có của mình.
Rừng ngập mặn trước nhiều mối đe dọa
Chuyển đổi mục đích sử dụng
Sự gia tăng dân số vùng ven biển là một trong những nguyên nhân làm thu hẹp đáng kể diện tích rừng ngập mặn. Tại Ấn Độ, dân số tăng đã dẫn đến việc phải chuyển đổi hơn 40% diện tích rừng ở biển tây thành vùng phát triển nông nghiệp và đô thị hóa.
Riêng việc nuôi tôm đã góp phần làm suy giảm 38% diện tích rừng ngập mặn toàn cầu, các hoạt động nuôi trồng thủy sản khác tiếp tục làm biến mất 14% diện tích rừng. Chưa kể, khai thác gỗ và củi quá mức cũng khiến khoảng 26% diện tích rừng ngập mặn biến mất.
Nóng lên toàn cầu
Rừng ngập mặn thường chứng tỏ được sức chống chịu và khả năng phục hồi khi phải đối mặt với những điều kiện môi trường khác nhau. Tuy nhiên, sự tăng nhiệt do biến đổi khí hậu có thể khiến rừng ngập mặn suy thoái và không có khả năng phục hồi.
Lý do là nhiệt độ cao làm tăng độ bốc hơi và độ mặn trong phù sa ở ven đất liền. Điều này có thể khiến mầm cây trong trong rừng ngập mặn bị chết hoặc giảm tính đa dạng trong các vùng rừng này.
Nước biển dâng
Đây được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của rừng ngập mặn. Trong khi đó, chỉ tính riêng trong thế kỷ XX, mực nước biển toàn cầu đã tăng từ 12 – 22cm.
Nếu rừng ngập mặn bị ngăn cản phát triển sâu vào nội địa để thích nghi với tình trạng nước biển dâng, chúng sẽ bị nhấn chìm. Còn trong trường hợp rừng ngập mặn có điều kiện phát triển sâu vào đất liền, chúng có thể gây ra những tác động tiêu cực tới đời sống con người. Bởi lẽ, bản chất của rừng ngập mặn là phát triển hướng biển chứ không phải hướng vào vùng bờ – nơi vốn cung cấp những dịch vụ môi trường có giá trị to lớn cho ngành đánh bắt cá và cho hoạt động bảo vệ vùng bờ.
Thiên tai
Mức độ ảnh hưởng của bão đến hệ thống rừng ngập mặn từng được kiểm chứng ở Honduras. Bão có thể tàn phá và làm biến dạng rừng ngập mặn như trường hợp rừng ngập mặn ở Vườn Quốc gia Everglades (Mỹ) đã trở thành bãi bùn chỉ sau hai cơn bão Andrew năm 1992 và Wilma năm 2005…
Rừng ngập mặn đang biến mất với tốc độ trung bình khoảng 1%/năm. (Ảnh: sundarbansafaris.com)
Ngăn chặn phá rừng hơn là tái tạo rừng
Trong khi nhu cầu kinh tế khiến ngày càng nhiều diện tích rừng ngập mặn biến mất nhường chỗ cho đô thị hóa và các khu nuôi trồng thủy sản, gánh nặng đối với các nhà quản lý đất ven bờ cũng gia tăng do phải cân nhắc không chỉ giá trị của các dịch vụ sinh thái mà rừng ngập mặn cung cấp mà còn phải tính tới giá trị tiềm năng của chúng trong tương lai.
Một nghiên cứu ở Thái Lan cho thấy rằng ngăn chặn phá rừng rõ ràng hiệu quả hơn về mặt chi phí so với tái tạo rừng. Bởi lẽ, chi phí bảo vệ rừng ngập mặn trong thập kỷ trước chỉ ở mức 189 USD/ha, trong khi chi phí tái tạo rừng lên đến 946 USD/ha.
Để ngăn chặn tình trạng suy thoái và mất rừng ngập mặn, chính sách khung, các quy định pháp luật và khung quản lý hợp nhất vùng ven biển cần phải bao quát được tất cả các ngành, các lĩnh vực và lôi kéo tất cả các bên liên quan.
Ở các nước như Tanzania hay Malaysia, rừng ngập mặn được đưa vào diện khu bảo tồn rừng, nằm dưới quyền sở hữu của nhà nước. Còn tại nhiều nơi ở Úc và Mỹ, chính quyền địa phương lại áp dụng chính sách “không thất thoát”, theo đó đặt ra những giới hạn cụ thể để bảo vệ rừng ngập mặn. Các biện pháp này được nhìn nhận sẽ có hiệu quả lâu dài nếu cơ quan chức năng thực sự quyết liệt trong việc ban hành luật, thúc đẩy thực thi và mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm.
Bên cạnh các chế tài pháp luật, nhiều giải pháp kinh tế cũng được đề xuất nhằm hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ngập mặn. Chẳng hạn, các hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng có thể khuyến khích và thúc đẩy người dân bảo vệ rừng.
Ngoài ra, các sáng kiến và quỹ đầu tư vào hoạt động kinh doanh các-bon từ rừng ngập mặn cũng có thể là một giải pháp kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho cộng đồng mà còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giúp loài người ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.