San hô bị tẩy trắng và chết hàng loạt, hé lộ hiện trạng đáng sợ dưới đáy biển sâu

Hiện tượng này cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ tới nhân loại toàn cầu.

San hô bị đổi sang màu trắng

Theo CNN, một chiến dịch cứu hộ khẩn cấp đang được tiến hành để cứu các loài san hô ở quần đảo Florida Keys khỏi nguy cơ tuyệt chủng khi nhiệt độ nước tăng cao trên diện rộng chưa từng có dẫn đến hiện tượng san hô đổi màu (tẩy trắng) và chết hàng loạt.

Các chuyên gia về san hô dự đoán, các rạn san hô đổi màu sẽ "chết hoàn toàn" chỉ sau một tuần và lo ngại các rạn san hô ở vùng biển sâu hơn có thể đối mặt với số phận tương tự nếu hiện tượng đại dương nóng lên tiếp tục diễn ra.

Nhiệt độ cực cao, thiếu mưa và gió đã đẩy nhiệt độ nước quanh Florida lên mức cao kỷ lục. Một trạm phao ở độ sâu 1,52m ghi nhận mức nhiệt 38 độ C vào ngày 24/7 tại Vịnh Florida. Nhiều trạm giám sát khác trong khu vực vượt 35,5 độ C, trong đó có một trạm đạt 37 độ C, theo Trung tâm phao dữ liệu quốc gia Mỹ.

San hô cực kỳ nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ. Nhiệt độ quá cao trong thời gian quá dài có thể khiến san hô bị chuyển sang màu trắng.


San hô bị tẩy trắng do thời tiết nắng nóng. (Ảnh: CNN).

Theo Guardian, khi đó san hô sẽ "trục xuất" các loài tảo biển đầy màu sắc sống bên trong các lỗ nhỏ li ti của san hô, thứ làm cho san hô có màu sắc rực rỡ và cung cấp cho chúng hầu hết các năng lượng cần thiết. Nếu quá trình này diễn ra lâu dài, các loài san hô sẽ chết và có nguy cơ bị các sinh vật khác - như rong biển, xâm chiếm.

Nhiệt độ tại một rạn san hô do Thủy cung Florida quản lý được ghi nhận là 32,7 độ C vào ngày 6/7. Khi đó san hô hoàn toàn khỏe mạnh nhưng khi đội kỹ thuật quay trở lại vào ngày 19/7, tất cả san hô đã đổi thành màu trắng và ước tính 80% trong số đó đã chết.

Một báo cáo khác từ Tổ chức Phục hồi San hô cho thấy "100% san hô chết" tại Rạn san hô Sombrero ngoài khơi bờ biển Marathon ở Florida Keys.

"Điều này giống như việc tất cả cây cối trong rừng nhiệt đới chết dần. Tất cả các loài động vật khác sống dựa vào rừng nhiệt đới sẽ sống ở đâu? Đây là phiên bản dưới nước của rừng nhiệt đới. San hô cũng phát huy vai trò cơ bản như vậy", ông Keri O'Neal, Giám đốc kiêm Nhà khoa học cấp cao tại Thủy cung Florida, nói.

Andrew Ibarra, chuyên gia giám sát tại Khu bảo tồn Biển Quốc gia Florida Keys cho biết: “Tôi thấy toàn bộ rạn san hô bị đổi sang trắng. Mọi quần thể san hô đều biểu hiện đổi màu, trắng bộ phận hoặc trắng hoàn toàn, bao gồm cả một số rạn san hô đã chết gần đây".

Những bức ảnh và video về Ibarra cung cấp cho thấy "một nghĩa địa san hô đáng sợ, bị tước đoạt màu sắc và sự sống".

"Những bức ảnh thật sự kinh hoàng", Katie Lesneski, điều phối viên giám sát của Cơ quan Quản Lý Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia Mỹ NOAA, nói. “Thật khó để tôi diễn tả thành lời cảm giác của mình lúc này".

Lesneski tiết lộ, cô biết hai rạn san hô khác có "tỷ lệ tử vong rất, rất cao" nhưng cũng tìm thấy "một chút hy vọng" khi lặn ở một rạn san hô sâu hơn vào 24/7, nơi chỉ có 5% san hô bắt đầu bị tẩy trắng do nhiệt độ nước ở khu vực này mát hơn một chút.

Hành động "ngược đời"

Tuy nhiên, theo CNN, ngay cả những rặng san hô ở khu vực nước mát này cũng có thể bị tẩy trắng và chết nếu nếu nhiệt độ đại dương tăng cao.


"Nghĩa địa" san hô ở vịnh Florida. (Ảnh: CNN).

Các chuyên gia phục hồi rạn san hô hiện đang chọn các loài quan trọng về di truyền học từ vườn ươm - nơi lai tạo san hô - và đưa chúng vào đất liền để chờ nước đại dương giảm nhiệt.

"Các nhà khoa học đang nỗ lực để bảo vệ những gì chúng ta có. Thật điên rồ khi giải pháp tốt nhất mà chúng ta có lúc này là nhổ càng nhiều san hô ra khỏi đại dương càng tốt", O'Neill nói với CNN. "Bạn sẽ bị sốc khi nghĩ về điều đó".

Phòng thí nghiệm đại dương Keys thuộc Viện Hải dương học Florida đã nhận được ít nhất 1.500 cây san hô và hy vọng con số này sẽ tăng lên 5.000 hoặc hơn khi chiến dịch giải cứu diễn ra. Tại đây, những cây san hô sẽ được nuôi dưỡng trong làn nước được kiểm soát nhiệt độ phù hợp.

Nhà sinh vật học kiêm Giám đốc phòng thí nghiệm Cynthia Lewis nói với CNN rằng: "Chúng tôi đang ở chế độ phân loại khẩn cấp ngay bây giờ. Một số loài san hô được đưa đến vào tuần trước trông thật khủng khiếp và chúng tôi có thể mất chúng".

Theo Bloomberg, thời gian gần đây, các vùng đại dương trên thế giới đều ghi nhận mức nhiệt tăng mạnh, được thúc đẩy một phần bởi biến đổi khí hậu. Cùng với sự hình thành của hình thái thời tiết El Nino, nhiệt độ bề mặt đại dương toàn cầu trong tháng 6 đã chạm ngưỡng cao nhất trong 174 năm.

Đại dương nóng lên không chỉ ảnh hưởng tới các sinh vật dưới biển mà theo nhà khoa học biển Deborah Brosnan, hiện tượng này còn khuếch đại những thảm họa do thời tiết gây ra, cướp đi sinh mạng và gây thiệt hại kinh tế to lớn. Ước tính, thiệt hại có thể tăng lên 1 nghìn tỷ USD mỗi năm trong những thập kỷ tới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất