Sao chổi "Halloween" ATLAS tan chảy khi tiếp cận Mặt trời

Sao chổi C/2024 S1 (ATLAS), từng được kỳ vọng sẽ trở thành một "món quà Halloween" trên bầu trời, đã chính thức tan rã khi chạm đến vị trí gần Mặt trời nhất trong quỹ đạo của nó, ngày 28/10.

Ban đầu, các nhà thiên văn dự đoán rằng sao chổi C/2024 S1 (ATLAS) có thể sáng đủ để quan sát bằng mắt thường. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10, các dấu hiệu tan rã đã xuất hiện, báo hiệu số phận ngắn ngủi của khối băng xa xôi đến từ rìa Hệ Mặt trời.

Đài quan sát Mặt trời và Nhật quyển (SOHO), một dự án hợp tác giữa NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, đã giúp ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng của sao chổi này.

Trước đó, ngày 23/10, ATLAS đã bay qua Trái đất ở khoảng cách gần nhất và đạt độ sáng cấp sao 8,7 – quá mờ để quan sát bằng mắt thường nhưng vẫn nằm trong khả năng của các kính thiên văn mạnh.

Sau khi vượt qua Trái đất, ATLAS tiếp tục tiến gần Mặt trời, khiến việc quan sát bằng các thiết bị thông thường ngày càng khó khăn hơn.

Được phát hiện ngày 27/9 bởi hệ thống cảnh báo thiên thạch Asteroid Terrestrial-impact Last Alert System (ATLAS) tại Hawaii, C/2024 S1 (ATLAS) thuộc họ Kreutz sungrazers, một nhóm sao chổi có quỹ đạo đặc biệt, đưa chúng tiếp cận rất gần Mặt trời với chu kỳ từ 500 đến 800 năm.

Dòng họ sao chổi Kreutz được cho là mảnh vỡ của một sao chổi lớn đã tan rã từ hàng nghìn năm trước. Có tài liệu cho rằng các sao chổi "sungrazer" đầu tiên xuất hiện từ năm 317 trước Công nguyên.


Sao chổi ATLAS bốc cháy khi bay vào Mặt trời.

Giống như các sao chổi khác, ATLAS là một "quả cầu tuyết bẩn", chứa khí, đá và bụi – những tàn tích nguyên thủy từ khi Hệ Mặt trời hình thành cách đây 4,6 tỷ năm.

Các sao chổi có chu kỳ quay quanh Mặt trời khác nhau, từ vài năm đến hàng triệu năm. Chẳng hạn, sao chổi Halley – một trong những sao chổi nổi tiếng nhất – hoàn thành một vòng quay mỗi 75 năm, trong khi sao chổi Encke chỉ mất khoảng 3,3 năm.

Một sao chổi khác là C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS), vừa sống sót sau lần tiếp cận Mặt trời vào ngày 27/9 và đã tỏa sáng trên bầu trời tháng 10, thu hút sự chú ý của người yêu thiên văn trên toàn cầu.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất