Sau độ tuổi 20, đâu là thay đổi lớn nhất trong cơ thể con người?

Cơ thể con người sẽ có nhiều thay đổi không ngờ sau khi bước qua độ tuổi 20.

Theo các nhà khoa học, cơ thể của con người là một cỗ máy tuyệt vời. Đương nhiên cơ thể sẽ có nhiều thay đổi khác nhau ở mỗi độ tuổi nhất định.

Vậy, sau khi trải qua độ tuổi 20, cơ thể con người sẽ có thay đổi ra sao?


Ở độ tuổi 20, cơ thể con người đạt tới khối lượng xương và cơ bắp ở mức tối đa.

Theo đó, sau hơn 20 năm sinh trưởng và phát triển, cơ thể con người đã đạt tới khối lượng xương và cơ bắp tối đa. Ở độ tuổi ngoài 20 cũng chính là thời điểm não bộ phát triển toàn diện. Kinh nguyệt của phụ nữ cũng trở nên đều đặn hơn. Tại giai đoạn này, con người có thể mọc mụn, đồng thời khả năng mắc những hội chứng rối loạn hệ miễn dịch như lupus và viêm khớp dạng thấp cũng cao nhất.

Đến độ tuổi ngoài 30 và 40, tình trạng cơ thể bắt đầu đi xuống. Cụ thể, chúng ta dễ bị loãng xương, vì vậy trở nên thấp hơn và dễ bị thương hơn. Ngoài ra, con người cũng bắt đầu mất dần cơ bắp và trở nên yếu hơn. Đây là tình trạng gọi là thiểu cơ.


Cơ thể người có nhiều thay đổi sau độ tuổi 20. (Ảnh: Med).

Đáng chú ý là lúc này da của chúng ta sẽ mất đi độ đàn hồi nên dễ bị chảy xệ và nhăn nheo. Tóc có thể chuyển thành màu bạc và con người còn có khả năng gặp vấn đề về thị giác và thính giác. Đáng lo ngại là lượng hormone testosterone và estrogen trong cơ thể bị giảm gây ra tình trạng rối loạn cương dương và mãn kinh.

Hợp chất NAD+ (nicotinamide adenine dinucleotide) đóng vai trò quan trọng đối với ty thể, trao đổi chất và lão hóa cũng bắt đầu giảm đáng kể.

Ở độ tuổi ngoài 30 cũng là thời điểm cơ thể con người bắt đầu tăng cân, dẫn tới việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc bệnh thận.

Cơ thể con người có nhiều thay đổi sau khi ngoài 40 tuổi


Cơ thể con người có nhiều thay đổi sau tuổi 30, nhất là làn da. (Ảnh minh họa).

Theo các chuyên gia, ngoài 40 là độ tuổi đàn ông dễ mắc bệnh tim nhất. Khi ở ngưỡng tuổi trung niên, lượng NAD+ trong cơ thể người chỉ bằng khoảng 1/2 so với ở độ tuổi 20. Điều này có thể gây ra tình trạng tích tụ chất béo và khiến ty thể hoạt động kém hơn.

Trong khi đó, nguy cơ mắc bệnh tim cao nhất đối với phụ nữ là ở tuổi mãn kinh (từ 45 – 55 tuổi).

Đến khi bước vào tuổi 60, cơ thể con người ngừng tạo ra tế bào T, loại tế bào giữ vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Kết quả, con người lúc này sẽ dễ mắc bệnh hơn, mất thời gian lâu hơn để phục hồi, thậm chí vaccine không còn hiệu quả nữa. Điều này khiến khả năng con người mắc bệnh ung thư cao hơn. Bởi thực tế một nửa số ca ung thư thường rơi vào sau tuổi 66.

Chưa hết, ở độ tuổi này, xung thần kinh ở não bộ hoạt động chậm lại, dẫn tới chứng suy giảm khả năng thần kinh như trí nhớ. Các triệu chứng của bệnh Alzheimer có thể xảy ra ở độ tuổi 60. Tuy nhiên, tình trạng suy giảm nhận thức thực sự xảy ra ở độ tuổi ngoài 70 và 80. Đây cũng là độ tuổi mà phần lớn mọi người qua đời do bệnh tim.

Vậy, con người khi 80 tuổi sẽ thế nào?


Ở độ tuổi 80, cơ thể con người sẽ mất đi 50% cơ bắp so với khi chỉ mới 20 tuổi. (Ảnh minh họa).

Khi con người 80 tuổi sẽ mất 50% cơ bắp so với tuổi 20. Dù lão hóa là việc không thể tránh khỏi đối với con người, nhưng cách tốt nhất để chuẩn bị cho những thay đổi này, đồng thời tránh các vấn đề sức khỏe, mỗi người nên duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, chăm tập thể dục và đi khám bệnh thường xuyên.

Theo các nhà khoa học, nếu không tập thể dục và thể thao, con người có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh như huyết áp cao, mỡ máu, các bệnh liên quan đến tim mạch, béo phì, trầm cảm, thiếu tự tin... Những thay đổi đối với sức khỏe về thể chất và tâm thần có thể gây ra nhiều bất lợi cho cuộc sống của con người. Do đó, chúng ta hãy thường xuyên tập thể dục, thể thao để giữ cơ thể luôn khỏe mạnh.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất