Sau hơn 2.000 năm, bí ẩn cánh cửa địa ngục được hé mở

Từng là một địa điểm du lịch thời cổ đại, hang Plutonium hay còn được biết đến với việt danh “cánh cửa địa ngục” ẩn chứa một bí mật mà phải sau 2.000 năm, các nhà khoa học hiện đại mới giải thích được.

Hai ngàn năm trước, các du khách cổ đại đã đến một ngôi đền Hi Lạp-La mã ở Hierapolis (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ), nằm bên trên một chiếc hang được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới bên kia. Mục đích của họ rất đơn giản: ngắm nhìn các loại động vật, từ chim cho tới bò, gục ngã ngay trước cửa hang. Cái hang này có tên “Plutonium” – được đặt theo thần địa ngục Pluto trong thần thoại Hy Lạp – được cho là có thể phun ra “hơi thở thần chết”, tước đoạt sinh mạng của bất kỳ sinh vật nào dám lại gần, ngoại trừ các thầy tu cao cấp. Họ là những người có khả năng miễn nhiễm trước “hơi thở thần chết” và có nhiệm vụ đưa các con vật vào hang để hiến tế.

Nhà sử học tự nhiên Pliny “Trưởng lão” mô tả hiện tượng này là “cống của Charon” – người lái đò đưa linh hồn người chết vượt sông Styx và sông Acheron để về cõi địa ngục trong thần thoại Hy Lạp.

Khí ga độc


Đường vào hang Plutonium.

Tuy nhiên, ngày nay, các nhà khoa học đã vén bức màn thần thoại đằng sau hiện tượng tưởng chừng là siêu nhiên này. Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Khảo cổ và Nhân chủng học hồi tháng 2 vừa rồi, một khe nứt ở bề mặt trái đất, nằm sâu bên trọng hang đã sản sinh ra khí CO2 với nồng độ “chết chóc”. Cụ thể, bằng một máy phân tích khí ga cầm tay, ông Hardy Pfanz và nhóm các nhà nghiên cứu núi lửa đã tìm thấy khí CO2 với nồng độ 4-53% ở miệng hang và cao nhất là 91% ở bên trong. Nồng độ này quá đủ để giết chết mọi sinh vật sống.

“Các loại động vật có vú (trong đó có con người) có thể bắt đầu gặp vấn đề ở mức dưới 5% CO2”, ông Pfanz nói với đài truyền hình Mỹ CNN. “Ở mức 7%, càng ở lâu, các triệu chứng như đổ mồ hôi, chóng mặt, nhịp tim tăng ngày càng nghiêm trọng. Nồng độ cao hơn nữa dẫn tới ngạt thở vì thiếu khí oxy cũng như máu, tế bào não… bị axit hóa”.

Chính vì thế, tất cả những loài động vật nào vào trong hang cũng nhanh chóng gục ngã. Ông Pfanz tiết lộ, trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy xác của một vài con chim, chuột và hơn 70 con bọ cánh cứng

Địa điểm du lịch

Giống như trong quá khứ, ngày nay, Plutonium vẫn thu hút hàng ngàn khách du dịch mỗi năm. Nhà khảo cổ học người Italia Franceso D’Andria – người đã khám phá lại ra chiếc hang vào năm 2013 – cho biết, ông và các đồng nghiệp còn tìm thấy bằng chứng về một khán đài từng được dựng xung quanh Plutonium để phục vụ các du khách cổ đại.

Nhà địa lý Hy Lạp cổ đại Strabo từng miêu tả: “Bất cứ con vật nào đi vào trong sẽ đối mặt với cái chết tức thì. Những con bò mộng được dẫn vào trong đều gục ngã và bị kéo xác ra bên ngoài. Tôi ném vào một vài con chim sẻ và chúng ngay lập tức ngã xuống”, ông viết.


Đồ họa mô phỏng các tòa nhà xung quanh Plutonium, bao gồm cả các ghế cho khán giả.

Strabo nhận ra phản ứng này liên quan tới khí ga - “không gian đầy hơi khói, đặc đến nỗi không thể nhìn thấy rõ mặt đất” – nhưng lại không hiểu tại sao khí ga lại ảnh hưởng tới các con vật nhưng các tu sĩ lại không hề hấn gì. Ông cho rằng, có thể họ được các vị thần linh bảo vệ hoặc chỉ đơn giản là các tu sĩ đã nhịn thở khi bước vào hang.

Tuy nhiên, nghiên cứu của ông Pfanz cũng đã vạch ra được bức màn bí ẩn đằng sau việc này: các tu sĩ và con vật có chiều cao khác nhau! Được biết, khí CO2 nặng hơn khí oxy nên sẽ chìm xuống dưới, tạo thành một “hồ khí ga”độc hại trên mặt đất. Vì thế, các con vật sẽ “lãnh đủ” còn các tu sĩ thì lại an toàn.

“Mũi của các con vật nằm ngay tầm của hồ khí độc”, ông Pfanz nhận định.

Ngoài ra, ông Pfanz còn cho rằng, các tu sĩ biết rõ về nguồn gốc của “hơi thở thần chết” cũng như việc nồng độ khí ga thay đổi vào từng thời điểm trong ngày. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ rằng, nồng độ khí CO2 khá cao vào lúc bình minh và hoàng hôn do khí ga bị ánh nắng mặt trời phân tán. Thế nhưng, nhà khảo cổ D’Andria lại không đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng, dựa trên việc tìm thấy nhiều chiếc đèn dầu ở cửa hang, “rất có khả năng nhiều hoạt động tôn giáo được thực hiện vào buổi đêm”.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất