Sẽ có động đất gần nơi hạ cánh của phi hành gia Artemis?
Khi chương trình Artemis 3 sắp phóng lên Mặt trăng vào năm 2026, các chuyên gia lo lắng liệu các trận động đất Mặt trăng có ảnh hưởng đến việc hạ cánh hay không.
Khi lập kế hoạch cho các địa điểm đổ bộ lên Mặt trăng của phi hành đoàn từ các chương trình sứ mệnh Artemis sắp tới, những người lập kế hoạch chương trình phải tính đến rất nhiều thông số về Mặt trăng, chúng bao gồm hình dạng của địa hình, đặc điểm sinh quyển, khí hậu,...
Nhưng giờ đây, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là cũng cần phải lưu ý đến các trận động đất và lở đất trên Mặt trăng. Các nhà khoa học địa chất chủ quản trong một nghiên cứu mới do NASA tài trợ nhấn mạnh, đây không còn là một lập luận mang tính giả thuyết nữa.
Khi chương trình Artemis 3 sắp phóng lên Mặt trăng vào năm 2026, các nhà địa chất lo lắng việc liệu các trận động đất trên Mặt trăng có ảnh hưởng đến việc hạ cánh hay không. (Ảnh: NASA)
Khi kiểm tra vùng cực nam của Mặt trăng – nằm gần khu vực hạ cánh theo kế hoạch của chương trình Artemis 3 (dự kiến hạ cánh vào năm 2026), các nhà khoa học địa chất đã xác định được các đường đứt gãy địa chất được cho là có liên quan đến trận động đất lớn trên Mặt trăng xảy ra cách đây khoảng 50 năm trước.
Vào ngày 13/3/1973, một trận động đất Mặt trăng đặc biệt mạnh đã làm rung chuyển các máy đo địa chấn của tàu Apollo từ hướng cực nam của Mặt trăng. Nhiều thập kỷ sau đó, Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng đã bay qua vùng cực nam và cũng phát hiện ra nhiều mạng lưới đường đứt gãy. Giờ đây, với việc phát hiện thêm đường đứt gãy địa chất mới, nó cung cấp thêm nhiều bằng chứng quan trọng để hiểu thêm các hiện tượng cực đoan trên Mặt trăng.
Các chuyên gia cho rằng, Mặt trăng của Trái đất đã và đang co lại, khi lõi của nó dần dần nguội đi trong vài trăm triệu năm qua. Tương tự như cách một quả nho nhăn lại, khi nó co lại để thành một quả nho khô, Mặt trăng cũng có những nếp nhăn khi nó co lại. Nhưng không giống như lớp vỏ dẻo của quả nho, bề mặt của Mặt trăng thì rất giòn, độ nén chặt vật liệu địa chất thì yếu, nên khiến các vết nứt dễ hình thành hơn khi có các cơn địa chấn xuất hiện.
Phát hiện mới bổ sung thêm cứ liệu về bức tranh các trận động đất trên Mặt trăng. Khi con người muốn đặt chân trở lại lên Mặt trăng một lần nữa, họ phải lên kế hoạch và tính trước cho các khả năng có thể xảy ra ở vùng địa chất ngay dưới chân mình.
Nicholas Schmerr, một nhà địa chất thuộc nghiên cứu mới cho biết: “Khi chúng ta tiến gần đến ngày khởi động sứ mệnh Artemis của phi hành đoàn, điều quan trọng là phải giữ cho các phi hành gia, thiết bị và cơ sở hạ tầng của chúng ta an toàn nhất có thể”.
Còn Renee Weber, đồng tác giả của nghiên cứu mới tại Trung tâm bay không gian Marshall của NASA, cho biết: “Để hiểu rõ hơn về nguy cơ địa chấn gây ra cho các hoạt động của con người trên Mặt trăng trong tương lai, chúng tôi cần thêm nhiều dữ liệu địa chấn mới trên hành tinh này”.
- Siêu tên lửa khủng nhất thế giới của Mỹ khiến Bắc Kinh "đỏ mắt" ghen tị: Lập nên lịch sử!
- NASA lùi lịch đưa con người trở lại Mặt trăng
- Rào cản kỹ thuật khiến NASA phải trì hoãn các sứ mệnh không gian