Sét dị hình xanh nhìn từ độ cao 400km

Thiết bị trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ghi hình 5 chớp sáng xuất hiện trên đỉnh mây, tạo ra các loại sét dị hình hiếm gặp.

Sét dị hình xanh, đỏ và elves rất khó quan sát từ mặt đất. Hệ thống Giám sát Tương tác Khí quyển - Không gian (ASIM) của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) theo dõi thời tiết Trái đất từ độ cao 400 km, giúp hé lộ thông tin giá trị về đặc điểm của các loại sét này. ASIM gồm camera, quang kế, bộ dò tia X và tia gamma, có nhiệm vụ tìm kiếm những đợt phóng điện bắt nguồn từ các hiện tượng giông bão, vượt khỏi cơn bão và lên đến tầng thượng quyển.


Sét dị hình xanh là dạng sét phóng lên cao từ những đám mây giông.

Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature hôm 20/1, miêu tả 5 chớp sáng xanh trên đỉnh mây, trong đó có một trường hợp tạo ra sét dị hình xanh ở tầng bình lưu. Sét dị hình xanh là dạng sét phóng lên cao từ những đám mây giông. Chúng có thể lên cao tới 50 km trong tầng bình lưu và chỉ tồn tại chưa đầy một giây. ASIM ghi lại tia sét dị hình xanh xuất hiện chớp nhoáng trong đám mây gần đảo Naru, Thái Bình Dương.

Chớp sáng xanh cũng tạo ra elves, một loại sét dị hình khác. Elves là những vòng sáng lan tỏa nhanh ở đáy tầng điện ly. Tại đây, các electron, sóng vô tuyến và khí quyển tương tác với nhau để tạo thành những đợt sáng này.

Việc sử dụng công cụ siêu nhạy của ASIM để quan sát những hiện tượng trên rất quan trọng với quá trình nghiên cứu hệ thống thời tiết trên Trái đất, giúp cung cấp thông tin về quá trình sét hình thành trong mây. Một số chuyên gia thậm chí cho rằng những hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến nồng độ của khí nhà kính trong khí quyển Trái đất. Điều đó khẳng định tầm quan trọng của việc hiểu rõ những hiện tượng xảy ra trên cao.

"Nghiên cứu mới là một điểm nhấn trong số những hiện tượng mà ASIM quan sát được phía trên các cơn bão. Nó cho thấy chúng ta còn rất nhiều điều cần khám phá và học hỏi về vũ trụ", Astrid Orr, chuyên gia tại ESA, chia sẻ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất