Siêu sóng thần 524m cao nhất từng ghi nhận trên Trái đất
Trận sóng thần cao hơn cả tòa nhà Empire State xảy ra năm 1958, sau một vụ lở đất ở vịnh Lituya.
Vịnh Lituya nhìn từ trên cao. (Ảnh: Getty Images)
Tháng 7/1958, một trận động đất mạnh 8,3 độ ở đường đứt gãy Fairweather làm rung chuyển bờ biển phía nam Alaska. Sự kiện này dẫn đến một vụ lở đất lớn tại vịnh Lituya, gây ra trận sóng thần kinh hoàng quét qua vùng nước hẹp và giết chết 5 người.
Cơn sóng khổng lồ san phẳng cây cối trên các sườn dốc bao quanh vịnh với độ cao tối đa lên tới 524 m so với mực nước biển - cao hơn tòa nhà Empire State ở New York (443 m). Đây được gọi là độ cao runup - độ cao mà sóng đạt được sau khi đổ bộ.
"Đây là cơn sóng lớn nhất từng được ghi lại và có nhân chứng chứng kiến", Hermann Fritz, giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Viện Công nghệ Georgia, chuyên gia về sóng thần và bão, cho biết. Ông nói thêm, có khả năng còn những trận sóng lớn hơn trong lịch sử Trái Đất. Điều này có thể suy ra từ các trầm tích địa chất, nhưng chúng vẫn chưa được lý giải rõ ràng.
Fritz là tác giả chính của một nghiên cứu công bố trên tạp chí Pure and Applied Geophysics năm 2009. Nghiên cứu này tái tạo trận sóng thần ở vịnh Lituya bằng cách sử dụng một bể thí nghiệm chuyên dụng với tỷ lệ 1: 675 mô phỏng hình dạng của vịnh.
Các nhà nghiên cứu ước tính, với sóng thần đạt độ cao này, trận lở đất ban đầu có thể đã đổ khoảng 30 triệu m3 đá xuống vịnh Lituya. Vụ lở đất dữ dội cung cấp lực để tạo ra cơn sóng lớn kỷ lục, nhưng hình dạng của vịnh mới là lý do thực sự khiến sóng cao đến vậy, theo Fritz.
Nghiên cứu trên tạp chí Natural Hazards and Earth System Sciences năm 2019 tạo ra bản mô phỏng sóng thần vịnh Lituya bằng mô hình máy tính. Video: José Manuel González-Vida cùng các cộng sự
Lituya là fjord - loại vịnh nhỏ ven biển dài và hẹp với các sườn dốc được tạo ra từ một sông băng cổ đại. Vịnh dài khoảng 14,5 km với điểm rộng nhất là 3,2 km. Khu vực này có độ sâu tối đa 220 m và nối với vịnh Alaska bằng một khe hở rộng 300 m. Trận lở đất gây ra sóng thần năm 1958 xảy ra tại vịnh nhỏ Gilbert nằm ở phía cuối fjord, cách biển xa nhất.
Trong một trận sóng thần do lở đất điển hình, sóng sẽ tỏa ra theo hình quạt. Nhưng hình dạng hẹp và độ dốc lớn của vịnh Lituya, cộng thêm vị trí xuất phát, khiến toàn bộ sức mạnh của sóng dồn về một hướng. Vì không có nơi nào khác để chảy đi nên nước bị đẩy lên những dốc núi cao xung quanh. Đó là lý do khiến trận sóng thần năm 1958 đạt độ cao runup lớn như vậy, Fritz nói.
Loại sóng cực mạnh này được gọi là siêu sóng thần (megatsunami). Fritz cho biết, sóng thần do lở đất hiếm hơn nhiều so với sóng thần kiến tạo hình thành do đáy biển đứt gãy khi các mảng kiến tạo di chuyển (ví dụ trận sóng thần ở Nhật Bản năm 2011), chiếm hơn 90% tổng số sóng thần.
Sóng thần do lở đất tồn tại ngắn ngủi hơn nhiều so với sóng thần kiến tạo. "Sóng thần do lở đất có thể rất lớn ở gần nguồn nhưng tan rã nhanh chóng", Fritz nói. Trong khi đó, sóng thần kiến tạo bắt đầu như những cơn sóng nhỏ, sau đó di chuyển rất xa và tăng độ cao khi chúng chạm đến bờ biển. Trong sự kiện ở vịnh Lituya năm 1958, sóng đã giảm xuống độ cao dưới 100 m khi tới khe hở và không lan xa hơn sang vịnh Alaska.
Đây không phải là trận sóng thần đầu tiên thuộc loại này xảy ra ở vịnh Lituya. Các nhà địa chất đã tìm thấy dấu vết về những trận sóng thần nhỏ hơn vào các năm 1853, 1854 và 1936, nhưng bằng chứng về chúng đã bị trận siêu sóng thần cuốn trôi, theo Hội đồng Chính sách Địa chấn các Bang miền Tây (WSSPC).
Một số người sống sót sau trận sóng thần kỷ lục dù đang ở trên thuyền trong vịnh khi xảy ra lở đất. Họ đã vượt qua trận sóng hoặc chạy thoát qua cửa vịnh, WSSPC cho biết. Sau khi sóng tan khoảng ba tuần, vịnh Lituya mới được đánh giá là đủ an toàn để các nhà nghiên cứu khảo sát. Các nhà nghiên cứu khi đó miêu tả, có tới hàng triệu cây bị bật gốc và trôi nổi trong vịnh.

Những phong tục tình dục kỳ lạ trên thế giới
Nhiều phong tục tình dục kỳ lạ có từ lâu đời vẫn đang diễn ra ở nhiều dân tộc trên thế giới cho dù cánh cửa nối họ với thế giới hiện đại đã mở ra rất nhiều.

Truyện cổ tích không chỉ là tưởng tượng?
Trẻ em trên khắp thế giới đều yêu thích chuyện cổ tích. Những câu chuyện có cốt truyện gắn liền với phép thuật và ma quỷ, các chàng hoàng tử đẹp trai và các nàng công chúa hoặc thiếu nữ xinh đẹp, luôn khơi gợi trí tưởng tượng phong phú và cuốn bọn trẻ vào thế giới thần tiên.

Viễn cảnh thế giới năm 2030
Tị nạn khí hậu ở Nam Cực, đại dịch cướp đi hàng triệu sinh mạng, mỗi quốc gia chỉ còn cố đấu tranh để sinh tồn, thế giới năm 2030 có thể sẽ như thế theo cảnh báo của nhiều chuyên gia.

Giếng bí ẩn nghìn năm bốc mùi lạ mà nhân loại chưa thể chạm đáy
Chiếc giếng bí ẩn này nằm ở vùng sa mạc phía đông Yemen, là một lỗ hổng khồng lồ của Trái đất, được cho là đã tồn tại hàng triệu năm.

Những bí kíp làm đẹp cổ xưa đến nay
Phụ nữ xưa dùng ngọc lăn mặt để lưu thông máu, thoa nước hoa hồng, mặt nạ đất sét dưỡng ẩm da... cũng là cách làm đẹp ngày nay.

Khám phá vận tải cơ Việt Nam C-295M
Năm 2013, quân đội Nhân Dân Việt Nam đã ký hợp đồng mua máy bay vận tải C-295 cho nhiệm vụ vận chuyển vũ khí quân sự để thay thế một phần phi đội máy bay An-26 đang được sử dụng.
