Siêu tên lửa Starship dùng đưa người lên Hỏa tinh chuẩn bị cất cánh lần 3
Tên lửa lớn nhất thế giới sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm lần thứ 3, hứa hẹn mang lại nhiều khoảnh khắc ngoạn mục.
Sau 2 chuyến bay thử nghiệm không thành công, các kỹ sư của SpaceX đã thực hiện nhiều sửa đổi đối với tên lửa Starship. Dự kiến, nó sẽ thực hiện chuyến bay lần thứ 3 vào ngày 14/3 tới đây.
Nhiệm vụ lần này của tên lửa ước tính kéo dài 65 phút, cỗ máy không gian khổng lồ sẽ thực hiện nhiều hoạt động trình diễn, kiểm tra khác nhau.
Thiết kế của Starship cho lần thử nghiệm thứ 3 cũng có những đặc điểm khác biệt so với 2 phiên bản trước đó - trong các chuyến bay thử nghiệm vào tháng 4 và tháng 11/2023.
Cải thiện hiệu suất tên lửa Starship
Tên lửa Starship trên bệ phóng tại bãi phóng vũ trụ Starbase ở Boca Chica, Mỹ. (Ảnh: SpaceX).
Các kỹ sư SpaceX đã thực hiện một số sửa đổi và cải tiến, đặc biệt là đối với tầng thứ 2 của tên lửa. Mục đích chính là cải thiện sự mạnh mẽ, hiệu suất và hiệu quả của Starship.
Cụ thể, một số thành phần đã bị loại bỏ và nhiều chi tiết khác được sửa đổi, nhưng cấu trúc tổng thể của tên lửa vẫn không thay đổi. Những tính năng và cải tiến mới sẽ được thử nghiệm và trình diễn trong chuyến bay tới đây.
Điều này nhấn mạnh cam kết của SpaceX trong việc cải thiện hiệu suất và tính linh hoạt của tên lửa Starship, mặc dù phương tiện phóng khổng lồ này vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
Một số thay đổi đáng chú ý
Tên lửa Starship đã bổ sung các bộ làm điều hướng có hình dạng "chiếc chuông", điều chỉnh các lỗ thông hơi ở khu vực bình chứa khí metan và oxy lỏng, cũng như những thay đổi về mặt thẩm mỹ đối với tấm chắn nhiệt.
Hơn nữa, cửa khoang chứa hàng đã được gia cố và hoạt động của nó cũng sẽ được thử nghiệm trong chuyến bay này. Thiết bị đầu cuối (kết nối tín hiệu) cũng đã được nâng cấp, sử dụng công nghệ mới.
Cụ thể, hệ thống thông tin liên lạc được các kỹ sư SpaceX sử dụng băng tần E - tần số được sử dụng bởi các vệ tinh Starlink thế hệ thứ hai. Cuối cùng là một hệ thống điều khiển vectơ lực đẩy bằng điện được lắp đặt cùng với động cơ Raptor của tên lửa Starship.
Đối với hệ thống đẩy Super Heavy (tầng thứ nhất tên lửa), cũng đã có những điều chỉnh nhỏ bao gồm sửa đổi nhỏ về thiết kế để cải thiện hiệu suất và cho phép tên lửa mang thêm một lượng nguyên liệu đẩy.
Ngoài ra, các thiết bị đầu cuối Starlink (kết nối và truyền tín hiệu) mới đã được lắp đặt trên tầng này.
SpaceX đặt mục tiêu làm cho việc khám phá sao Hỏa với giá cả phải chăng, thông qua tên lửa Starship tái sử dụng.
Hệ thống phóng này được thiết kế để vận chuyển con người và hàng hóa lên Mặt trăng, sao Hỏa và xa hơn nữa, nó hứa hẹn sẽ thay đổi mãi mãi khả năng tiếp cận không gian của loài người.
Cơ quan này có kế hoạch phóng các sứ mệnh chở hàng lên sao Hỏa để thử nghiệm các công nghệ trên bề mặt hành tinh này và hướng tới sứ mệnh mang theo phi hành đoàn trong thập kỷ tới, dự kiến vào năm 2030.
Theo kế hoạch ban đầu, Starship sẽ phục vụ sứ mệnh đầu tiên, dự kiến vào năm 2024 với vai trò là phương tiện vận chuyển đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng trong chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Song hiện sứ mệnh Artemis này đang bị hoãn lại.
- Tên lửa Starship của Elon Musk phát nổ
- Thấy gì từ vụ tên lửa mạnh nhất thế giới nổ giữa không trung
- Tên lửa thử nghiệm của SpaceX bốc cháy trên bệ phóng