Siêu tổ mối rộng bằng nước Anh có thể thấy từ vũ trụ
Những con mối đã xây 200 triệu gò cao ở vùng đồng cỏ Brazil từ hàng nghìn năm trước, đào lượng đất tương đương 4.000 Đại kim tự tháp Giza.
Một siêu tổ mối khổng lồ trải rộng trên diện tích lớn bằng nước Anh được xây dựng từ 3.820 năm trước và vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, Independent hôm 19/11 đưa tin. Các nhà nghiên cứu khám phá vùng đất rộng lớn với 200 triệu gò đất hình nón ở đông bắc Brazil và lấy mẫu đất 11 địa điểm. Mỗi gò đất cao 2,5 mét, rộng 9 mét ở chân gò và bao phủ tổng diện tích 230.000km2.
Tuy nhiên, các gò đất không phải những tổ mối riêng lẻ mà là một bãi tập kết, nơi mối thợ đổ đất và vật liệu khác đào được trong quá trình tạo ra mạng lưới đường hầm dưới mặt đất, dùng để di chuyển ngang qua vùng rừng nhằm tìm kiếm thức ăn suốt thiên niên kỷ.
Những gò mối san sát nhau nhìn từ trên cao. (Ảnh: Science Alert).
Các gò mối hình nón bao phủ diện tích 230.000km2. (Ảnh: Roy Funch).
Theo nhóm tác giả của nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Current Biology nhận xét "kỳ quan sinh học" này có thể sánh ngang với những kỳ quan của thế giới cổ đại. "Đây rõ ràng là công trình kỹ thuật sinh học rộng lớn nhất do một loài côn trùng xây dựng. Có lẽ điều thú vị hơn cả là những gò đất vô cùng lâu đời với niên đại lên tới gần 4.000 năm, tương tự niên đại của kim tự tháp", nhà nghiên cứu Roy Funch ở Đại học Feira de Santana tại Brazil, cho biết.
Các gò mối hầu như bị che khuất bởi caatinga, thảm thực vật có gai chỉ mọc ở Brazil. Nhóm nghiên cứu quốc tế phát hiện sự tồn tại của chúng cách đây vài thập kỷ khi vùng đất được phát quang làm đồng cỏ.
Kết quả lấy mẫu từ những gò mối lâu đời nhất cũng cho niên đại tương đương một số cấu trúc tổ mối cổ nhất ở châu Phi trong khi nhiều gò mối khác bắt đầu được xây dựng khoảng 600 năm trước. Chúng hình thành nhằm đối phó với môi trường hạn hán, trong đó mùa lá rụng hàng năm trở thành thời điểm lý tưởng để thu thập thức ăn, xen kẽ với những khoảng thời gian dài khi nguồn thức ăn trở nên khan hiếm.
"Số gò mối này ra đời do loài mối đào một mạng lưới đường hầm vô cùng rộng lớn để tiếp cận lá rụng, cho phép chúng ăn an toàn và trực tiếp từ nền rừng", giáo sư Stephen Martin, chuyên gia về côn trùng ở Đại học Salford, chia sẻ. "Lượng đất đàn mối đào lên tới hơn 10km3, tương đương 4.000 Đại kim tự tháp Giza, xếp vào hàng những công trình lớn nhất do côn trùng xây nên. Điều đáng kinh ngạc là ngày nay, bạn vẫn có thể tìm thấy kỳ quan sinh học vô danh với quy mô và niên đại lớn cỡ này cùng các cư dân bên trong".
Gò mối không phải lối duy nhất để vào mạng lưới đường hầm. Những con mối chui ra vào ban đêm để tìm mồi, sử dụng hàng chục lối vào nhỏ hơn giữa mỗi bãi tập kết. Khi kiểm tra số gò mối bị san bằng một nửa bởi dự án làm đường, giáo sư Martin và cộng sự phát hiện chúng không có kết cấu tổ ong phức tạp thường thấy ở tổ mối. Thay vào đó, mỗi gò bao gồm một đường hầm lớn ở trung tâm rộng 10cm, nối với mạng lưới đường hầm dưới lòng đất và hàng loạt phòng dài chứa lá rụng và ấu trùng.