Sinh vật hoang dã lạ đe dọa biển châu Âu
Liên hiệp quốc mới đây đã lên tiếng cảnh báo các loài sinh vật hoang dã lạ đang xâm thực và đe dọa sự đa dạng sinh học tại các vùng biển ở châu Âu, trong đó có biển Wadden - di sản biển thế giới thuộc lãnh thổ các nước Đức, Hà Lan và Đan Mạch.
Nghiên cứu của tổ chức này cho thấy cỏ dây thừng, cây óc chó biển, các loài trai, hàu Thái Bình Dương, sứa... là các sinh vật xâm thực có sức phá hoại lớn nhất đối với hệ sinh thái biển Wadden.
Theo Liên hiệp quốc, sinh vật hoang dã lạ đang đe dọa vùng biển Wadden.
Ảnh: reefnews.eu
Sau khi được di thực từ nhiều nơi trên thế giới về các vùng biển châu Âu để nuôi trồng, các loài này đã phát triển nhanh chóng, đe dọa sự tồn tại của các sinh vật bản địa.
Sự xâm thực của các loài này có nguy cơ biến di sản biển thế giới Wadden thành đầm lầy nước mặn, hoặc làm mất đi nguồn thức ăn của các loài sống bằng các sinh vật bản địa đặc thù ở vùng biển châu Âu. Các sinh vật xâm thực cũng là tác nhân làm giảm số lượng cá ở biển Đen và biển Caspi ở mức báo động.
Không chỉ đe dọa sự đa dạng sinh học, sự xâm thực của các sinh vật lạ còn có nguy cơ trở thành gánh nặng kinh tế đối với các nước châu Âu do chi phí xử lý hoặc loại bỏ các sinh vật xâm thực này rất lớn. Chưa kể việc mất đi nguồn sống của một số loài ở vùng biển châu Âu đang làm giảm sản lượng đánh bắt hải sản của các nước trong khu vực này.
Liên hiệp quốc đã thu thập dữ liệu và khuyến khích nghiên cứu về tác động đến các loài sinh vật bản địa, đặc biệt là các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Trong Năm quốc tế về đa dạng sinh học 2010, các nỗ lực kiểm soát việc đưa các sinh vật có môi trường sống từ các nơi khác trên thế giới về nuôi trồng ở các vùng biển châu Âu sẽ được tăng cường để bảo vệ hệ sinh thái ở các vùng biển này, đặc biệt là ở di sản biển thế giới Wadden.