Sinh viên đại học Duy Tân làm trà từ ruột ngô

Ruột ngô bỏ đi được nhóm sinh viên Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) sử dụng, kết hợp với một số phụ gia làm trà, bổ sung dinh dưỡng.

Nghiên cứu của 5 sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Thắng, Phạm Thị Thanh Tâm, Sơn Hoàng Phú Quí, Đoàn Văn Đình Nguyên và Nguyễn Trần Nhật Linh, Khoa môi trường và khoa học tự nhiên, Đại học Duy Tân thực hiện trong khoảng 6 tháng.

Phạm Thị Thanh Tâm, đại diện nhóm, cho biết tại Việt Nam ngô là cây trồng phổ biến thứ hai sau lúa. Sau khi chế biến, lượng lớn ruột ngô không được tái sử dụng, thải ra môi trường. Một số nơi tận dụng ruột ngô làm thức ăn gia súc, giá thể trồng nấm... với giá trị thấp.

Tìm hiểu các nghiên cứu thấy trong ruột ngô có chứa nhiều dược chất tốt cho sức khỏe như anthocyanin, beta - sitosterol, saponin, tanin và các hợp chất polyphenol khác. Trong đó, hàm lượng anthocynanin trong ruột ngô được đánh giá cao hơn trong hạt. Đây là chất có khả năng chống oxy hóa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như cải thiện chức năng tim mạch, ngăn chặn tiểu đường. Chất beta - sitosterol có tác dụng kiểm soát nồng độ cholesterol, giảm hoạt động tế bào ung thư, tăng khả năng miễn dịch. Những dược chất này trong ruột ngô được nhóm nghiên cứu làm trà túi lọc.


Trà từ ruột ngô của nhóm nghiên cứu Đại học Duy Tân. (Ảnh: NVCC).

Để chiết xuất làm trà, ruột ngô được làm sạch, sau đó sấy ở 70 độ C, trong ba giờ. Thành phẩm sấy sau đó được xay nhỏ và sàng trong khoảng kích thước 0,5 - 1 mm phù hợp làm trà túi lọc. Nguyên liệu sau đó được phối trộn với một số phụ gia như đinh hương, cỏ ngọt, quế, hoa hồng với tỷ lệ 90% lõi ngô, còn lại là các hương liệu khác. Hỗn hợp nguyên liệu sau khi phối trộn được đóng gói thành túi lọc.

Theo Nguyễn Hoàng Nhật Thắng, quá trình phối trộn các nguyên liệu được cho là quan trọng và mất nhiều thời gian nhất, với nhiều tỷ lệ khác nhau để tìm ra vị trà phù hợp khẩu vị thưởng thức người Việt. Thắng nói, nếu cho thêm quá nhiều quế tạo vị nồng cao, sẽ lấn át mùi hương khác. Nếu thêm nhiều cỏ ngọt, trà sẽ bị gắt và người uống không cảm nhận được hậu vị ngọt của ruột ngô.

Về màu sắc, nhóm phải phối trộn nguyên liệu để ra màu vàng đặc trưng của trà. "Nhóm làm hàng chục thí nghiệm để có được màu sắc và mùi vị phù hợp nhất", Thắng nói. Sau nhiều lần thí nghiệm, trà có màu vàng đặc trưng của ruột ngô, nước trà không bị cặn. Trà có vị ngọt nhẹ, mùi thơm hài hòa của các nguyên liệu.

Theo Lê Thị Thanh Tâm, trong quy trình sản xuất trà, lõi ngô chưa được nhóm đánh giá về khả năng tồn dư kim loại trong quá trình trồng ảnh hưởng từ đất trồng, nguồn nước... Nhóm dự định thời gian tới sẽ tìm kiếm các vùng nguyên liệu có các chứng nhận đạt các tiêu chí về sạch, an toàn.

Trà từ ruột ngô được nhóm hướng đến nhóm người 20 - 50 tuổi bởi nhóm này thường có nguy cơ cao mắc béo phì do chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh. Vị trà ngọt thanh dễ uống hỗ trợ giảm lượng cholesterol xấu trong máu.


Các thành viên nhóm giới thiệu sản phẩm trà từ ruột ngô tại cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch tổ chức tại TP HCM hôm 23/11. (Ảnh: Hà An).

Thạc sĩ Phạm Thị Nga, Giảng viên Khoa môi trường và khoa học tự nhiên, Đại học Duy Tân đánh giá, việc tận dụng ruột ngô làm trà vừa có tác dụng tốt cho sức khỏe khi tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi là ý tưởng mang tính bảo vệ môi trường cao. Do tận dụng được nguồn nguyên liệu rẻ tiền, trà túi lọc của nhóm rất tiềm năng thương mại hóa với giá phải chăng, phù hợp đa số người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Nga, nhóm cần thực hiện quá trình đánh giá về khả năng kháng oxy hóa của các chất trong lõi ngô. Ngoài ra, nhóm cần nghiên cứu chất bảo quản có tính chất an toàn để tăng thời gian sử dụng trà túi lọc, phục vụ yêu cầu kinh doanh sau này.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất