Sóng nhiệt cực cao 50 năm có một lần sẽ xuất hiện thường xuyên hơn

Báo Nikkei ngày 9/8 dẫn báo cáo trên cho hay hành tinh của chúng ta đang phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu do đã vượt qua ngưỡng ấm lên trung bình 1 độ C. Các đợt nắng nóng, hạn hán và mưa lũ sẽ xuất hiện thường xuyên hơn cũng như khắc nghiệt hơn khi Trái đất ngày càng ấm lên.

Đây là lần đầu tiên Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ đưa ra đánh giá về khả năng xảy ra những hiện tượng thời tiết cực đoan này trong một loạt tình huống khác nhau.


Sông Amazon ở Brazil bị khô cạn. (Ảnh: Reuters).

Bản báo cáo chỉ ra rằng các trận mưa lớn kỷ lục 10 năm mới có một lần giờ có tuần suất tăng gấp 1,3 lần và nhiều nước hơn 6,7% so với khoảng thời gian 50 năm tính đến năm 1900, khi con người bắt đầu tác động làm Trái đất nóng lên.

Ngoài ra, những trận hạn hán nặng của mỗi thập kỷ cũng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, sau mỗi 5 – 6 năm.

Các nhà khoa học nhấn mạnh những tác động của biến đổi khí hậu vốn đang hiện hữu, ví dụ như đợt sóng nhiệt tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ khiến hàng trăm người thiệt mạng hồi tháng 6. Brazil cũng đang chứng kiến đợt hạn hán tồi tệ nhất 91 năm.

Ông Paulo Artaxo, tác giả chính của báo cáo cho biết: “Nắng nóng ở Canada, hỏa hoạn ở California, lũ lụt ở Đức và Trung Quốc, hạn hán ở Brazil chỉ ra rõ ràng rằng khí hậu cực đoan đang gây ra thiệt hại rất nặng nề”. 

Trong tương lai, tình trạng thời tiết cực đoan thậm chí sẽ tồi tệ hơn nếu như Trái đất tiếp tục ấm lên nhiều hơn.

Với mức nhiệt độ nóng lên là 1,5 độ C như dự báo trong hai thập kỷ tới, sóng nhiệt kỷ lục từng chỉ xuất hiện 2 lần trong 100 năm thì nay sẽ xảy ra sau mỗi 6 năm. Và nếu thế giới bị nóng hơn 4 độ C, những đợt nắng nóng đó sẽ xảy ra sau 1 - 2 năm.

IPCC tin rằng nhiều vùng nông nghiệp quan trọng trên khắp thế giới sẽ hứng chịu nhiều hạn hán và mưa lớn hơn. Cụ thể, hạn hán sẽ xuất hiện nghiêm trọng hơn tại Địa Trung Hải, Nam Austrlia và Bắc Mỹ.

Báo cáo được IPCC công bố chưa đầy 3 tháng trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tại thành phố Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Đây được xem là cơ hội vô cùng quan trọng để nhân loại có thể hạn chế những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất