Sự sống trên Trái đất suýt bị xóa sổ hoàn toàn vì núi lửa phá hỏng tầng Ozone

Xảy ra cách đây khoảng 250 triệu năm, từ trước cả thời kỳ khủng long, núi lửa phun trào từng phá hủy tầng ozone của Trái đất, suýt chút nữa xóa sổ hoàn toàn sự sống trên hành tinh.

Được biết đến với tên gọi "Đại tuyệt chủng" (Great Dying), nó thậm chí còn khủng khiếp hơn rất nhiều so với sự tuyệt chủng của loài khủng long 65 triệu năm trước. Có tên khoa học là Sự kiện tuyệt chủng kỷ Permia-Triassic, nó xảy ra vào khoảng 250 triệu năm về trước, trước cả khi khủng long ra đời.


Vụ phun trào núi lửa đã phá hủy tầng ozone trong thời gian khoảng 1 triệu năm.

Trước đây, các nhà khoa học tin rằng sự kiện tuyệt chủng kỷ Permia-Triassic xảy ra là do một vụ phun trào núi lửa, nhưng hiển nhiên, nó không phải là một vụ phun trào thông thường. Có tên gọi "Siberia Flood Basalts", vụ phun trào kéo dài hàng triệu năm này ước tính đã gây ra cái chết của 96% sinh vật biển, cùng với 70% loài động vật có xương sống trên cạn.

Các nhà khoa học ngày nay cho rằng, vụ phun trào núi lửa đã khiến tầng ozone chịu thiệt hại rất nặng nề.

Michael Broadley, nhà khoa học, tác giả của bài nghiên cứu vừa được công bố trên trang Nature Geoscience hôm thứ hai vừa qua cho biết, quy mô càn quét của sự kiện tuyệt chủng này khủng khiếp tới nỗi các nhà khoa học đã phải tự hỏi, điều gì khiến cho Siberian Flood Basalts có sức tàn phá lớn hơn so với những vụ phun trào núi lửa tương tự khác nhiều đến vậy.

"Chúng tôi đi đến kết luận rằng, có một bể chứa halogen khổng lồ tại vùng thạch quyển của Siberia, do tác động của vụ phun trào, đã được giải thoát vào bầu khí quyển trong vụ nổ này, phá hủy tầng ozone một cách nhanh chóng và góp phần không nhỏ vào sự kiện hủy diệt hàng loạt ngay sau đó".

Về cơ bản, vụ phun trào núi lửa đã giải phóng Clo, Brom, Iot vào khí quyển, phá hủy tầng ozone trong thời gian khoảng 1 triệu năm, và Trái Đất đã cần đến 10 triệu năm để có thể phục hồi.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất