Sự thật đằng sau căn bệnh "hàm bạnh" ám ảnh Hoàng tộc châu Âu suốt 4 thế kỷ

Hoàng gia - một khái niệm nghe rất mỹ miều và lãng mạn đúng không? Cũng có thể, nhưng thực tế thì các gia tộc hoàng gia xưa kia có tồn tại rất nhiều vấn đề bất ổn, từ cách cai trị cho đến những căn bệnh bí ẩn gây ám ảnh đến tận khi tàn lụi.

Gia tộc Habsburg là một trường hợp như thế. Dành cho những ai chưa biết, rất nhiều vị vua và nữ hoàng của Áo và Tây Ban Nha đã là thành viên của gia tộc này. Thậm chí, nhà Habsburg còn chiếm được ngôi Hoàng đế của Thánh chế La Mã (Holy Roman Empire), trong giai đoạn 1438 - 1740, nghĩa là hơn 3 thế kỷ.

Nhưng cũng ngần ấy thời gian, gia tộc này phải chịu đựng một hội chứng hết sức "độc" và quái đản, đến mức người ta còn lấy tên của họ đặt cho nó: "Hàm Habsburg" (Habsburg jaw). Về cơ bản, hội chứng này khiến cấu tạo hàm trở nên cực lớn, bạnh ra 2 bên rộng đến mức vô lý, gây khó khăn rất nhiều trong chuyện ăn uống. Như hoàng đế Charles V (1500 - 1558) thậm chí đã không thể ăn uống công khai trước bàn dân thiên hạ vì hình thù miệng quá sức quái dị của mình.


Philip IV (trái) và Charles II (phải).

Các thành viên trong gia tộc trải qua nhiều thế hệ gần như đều mắc phải nó, bất kể là nam hay nữ. Có điều lý do tại sao hội chứng này có thể bám theo họ tới cả trăm năm thì còn gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã được xác nhận. Nghiên cứu mới đã khẳng định nguyên nhân gây ra "hàm Habsburg" đến từ việc giao phối cận huyết kéo dài suốt hơn 200 năm của gia tộc này.


Công nương Mariana của Áo (1634-1696).

Hôn nhân cận huyết hủy hoại một gia tộc quan trọng

"Triều đại của nhà Habsburg thực sự gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử châu Âu và Thánh chế La Mã nói riêng. Tuy nhiên hôn nhân cận huyết đã kéo theo sự sụp đổ của cả gia tộc." - chuyên gia di truyền học Roman Vilas từ ĐH Santiago de Compostela (Tây Ban Nha) cho biết.

"Việc loạn luân trong gia tộc này đã được đưa ra bàn luận từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta có bằng chứng về hệ quả của nó đối với chứng hàm Habsburg."


Một bức chân dung khác của Philip IV

Để thực hiện nghiên cứu, giáo sư Vilas đã nhờ 10 bác sĩ giải phẫu để khám nghiệm độ biến dạng khuôn mặt của 15 thành viên trong gia tộc Habsburg, dựa trên 66 bức chân dung thu thập được. Mỗi bác sĩ được yêu cầu tìm 11 đặc điểm nhô ra của hàm dưới, cùng 7 đặc điểm thụt vào từ hàm trên.

Kết quả cho thấy, chứng hàm Habsburg phía hàm dưới thể hiện rõ ràng nhất ở vua Philip IV - hoàng đế của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong giai đoạn 1621 - 1640. Bên cạnh đó, có 5 thành viên bị có hàm trên thụt vào cực nặng là Maximilian I, con gái ông là Margaret (Áo), cháu trai là Charles (Tây Ban Nha), chắt của Charles là Philip IV và Charles II. Những người ít bị ảnh hưởng nhất là công nương Mary của xứ Burgundy - người được gả vào gia tộc từ năm 1477. 


Maximilian I

Các chuyên gia nhận thấy 2 triệu chứng này có liên quan đến nhau, và hoàn toàn có khả năng đến từ bộ gene đã quá lỗi của họ. Ngoài ra, để xác định được mức độ cận huyết của gia tộc, các chuyên gia còn tìm đến gia phả của họ - bao gồm 6000 người qua 20 thế hệ. Và khi so sánh, họ nhận ra mối liên hệ rất lớn giữa hôn nhân cận huyết và mức độ mắc hàm Habsburg.

Tuy nhiên, chỉ 2 trong số 7 đặc điểm từ hàm dưới là có thể đưa ra phân tích. Gene nào thực sự gây ra chứng bệnh này thì vẫn còn bỏ ngỏ.


Mary từ Burgundy là người không bị ảnh hưởng bởi chứng bệnh này, bởi bà là người ngoài gia tộc

Theo Vilas, hôn nhân cận huyết của nhà Habsburg đã giúp gia đình này duy trì được tầm ảnh hưởng rất mạnh trong lịch sử. Nhưng xét về mặt sinh học thì đây lại là ý tưởng quá tồi: khi một đứa trẻ ra đời do phối ngẫu quá gần, tỉ lệ xuất hiện tính trạng lặn ra bên ngoài là rất cao, để rồi khiến sức khỏe của họ ngày càng đi xuống. Như vua Charles II (Tây Ban Nha) chẳng hạn, ông thậm chí chẳng thể sinh nổi con nối dõi.

Vilas cũng lưu ý rằng nghiên cứu này mới chỉ phân tích một số ít trường hợp, vậy nên không thể loại trừ khả năng mọi thứ đơn giản chỉ là trùng hợp, và gia tộc này quá thiếu may mắn mà thôi. 

"Nghiên cứu chỉ dựa trên các tạo hình lịch sử. Hôn nhân cận huyết rất phổ biến trong hoàng tộc thời xưa, nhưng dù vậy đến nay vẫn tồn tại ở một số tôn giáo và bộ tộc thiểu số. Vậy nên, việc nghiên cứu về hệ quả của nó là cực kỳ quan trọng," - Vilas cho biết.

"Triều đại của nhà Habsburg giống như một mẫu vật quý giá để nghiên cứu về vấn đề này, vì hôn nhân cận huyết giữa họ là rất lớn."

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Human Biology .

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất