Sự thật về thanh kiếm bằng tiền xu của người Trung Quốc cổ đại
Kiếm tiền xu ra đời từ hàng nghìn năm trước, dùng để trừ tà và trong các nghi thức Đạo giáo, thay vì để chiến đấu.
Kiếm tiền xu đầu tiên được chế tác vào khoảng thế kỷ 24 và 26 trước Công nguyên, dưới thời Hiên Viên Hoàng đế. Vào khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên, chúng gắn liền với quan niệm có thể xua đuổi tà ma. Loại kiếm này phổ biến hơn sau hơn một thiên niên kỷ, dưới thời Lưu Tống, thường dùng trong các nghi thức tôn giáo.
Thanh kiếm làm từ những đồng xu Trung Quốc vào thế kỷ 19. (Ảnh: Bảo tàng Anh).
Kiếm tiền xu được làm từ những đồng xu xâu qua que sắt, tạo thành phần đế chắc chắn. Nếu đồng xu quá lớn, người chế tác có thể dùng hai que sắt. Sau đó, tiền xu được cố định bằng sợi dây buộc chắc chắn. Mỗi chi tiết của thanh kiếm đều quan trọng, bao gồm màu sắc. Trong phần lớn trường hợp, dây buộc tiền xu thường có màu đỏ hoặc vàng. Đó là màu sắc tượng trưng cho hoàng tộc.
Tiền xu cũng không được lấy ngẫu nhiên mà theo số lượng nhất định để dễ dàng mô phỏng. Một thanh kiếm tiền xu thông thường sẽ có độ dài tương đương 18 đồng xu ở lưỡi kiếm, 10 đồng ở cán kiếm, 6 đồng ở chuôi kiếm và 2 đồng ở cuối chuôi. Thanh kiếm cần độ dày bằng 3 đồng xu ở mọi khu vực để đảm bảo độ chắc chắn. Điều đó có nghĩa cần ít nhất 108 đồng xu bằng hợp kim đồng để chế tạo thanh kiếm.
Trung bình, mỗi thanh kiếm dài khoảng 0,6 m và nặng 0,45 - 0,9kg. Tuy nhiên, trọng lượng có thể lớn hơn tùy theo loại tiền xu sử dụng và kích thước thanh kiếm. Kiếm càng lớn càng nặng và ngược lại. Ngoài ra, người Trung Quốc cổ đại cho rằng thanh kiếm chỉ hiệu nghiệm nếu làm từ tiền xu đúc vào cùng một kỳ trị vì của hoàng đế. Việc trộn lẫn tiền xu từ nhiều triều đại khác nhau bị xem là điềm xui và có thể tạo ra thanh kiếm lỗi. Hiện nay, một số thanh kiếm tiền xu đang được lưu giữ ở các bảo tàng trên khắp thế giới như bảo tàng Anh hoặc bảo tàng ở Munich, Đức.
- Nước Nga đất rộng người thưa, tại sao người dân lại "đổ xô" tới sống ở các thành phố chật chội và đắt đỏ?
- Tiếng động lạ dưới biển Thái Bình Dương khiến các nhà khoa học nhiều năm bối rối
- Siêu máy tính dự đoán cuộc đại tuyệt chủng vào năm 2100