Sức mạnh của sóng thần Indonesia khiến giới nghiên cứu bất ngờ

Sự xuất hiện của sóng thần Indonesia cùng với sức mạnh hủy diệt mà nó mang theo hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của những nhà nghiên cứu.

Các nhà khoa học bày tỏ sự bất ngờ trước độ mạnh của sóng thần tàn phá thành phố Palu, Indonesia, vào cuối tuần trước, theo New York Times. Họ cho rằng trận động đất xuất hiện trước đó khó có thể kéo theo những cơn sóng mang sức mạnh hủy diệt như vậy.


Bản đồ của Cục khảo sát địa chất Mỹ.

"Chúng tôi dự đoán động đất có thể gây sóng thần, nhưng không lớn tới mức đó", Jason Patton, nhà địa vật lý làm việc cho công ty tư vấn Temblor kiêm giảng viên ở Đại học Humboldt, California, cho biết. "Khi những sự kiện kiểu này xảy ra, chúng tôi thường khám phá ra nhiều điều chưa từng quan sát được trước đây".

Trận động đất 7,5 độ xuất hiện vào chiều tối hôm 28/9 gây chấn động dọc theo vùng ven biển đảo Sulawesi, cách Palu khoảng 80km về phía bắc. Theo một số nhân chứng, trong vòng 30 phút sau, những cơn sóng cao tới 6 mét đập vào bờ, phá hủy nhiều tòa nhà, đập nát xe cộ và giết chết hàng trăm người dân trong thành phố.

Số người chết cao có thể phản ánh hiện trạng thiếu hệ thống phát hiện và cảnh báo sóng thần tân tiến của Indonesia, theo giới chuyên gia. Những cộng đồng dân cư khác trên đảo Sulawesi, bao gồm thành phố Donggala, cũng bị sóng thần tàn phá, nhưng có rất ít thông tin về mức độ thiệt hại hoặc số người chết bên ngoài Palu.

Thảm họa sóng thần thường là kết quả của siêu động đất khi những mảng lớn vỏ Trái Đất biến dạng, dịch chuyển theo chiều dọc dọc theo đứt gãy. Quá trình này chuyển chỗ đột ngột một lượng nước khổng lồ, tạo ra cơn sóng di chuyển ở tốc độ cao dọc bồn trũng đại dương và gây thiệt hại ở cách nơi hình thành động đất hàng nghìn kilomet.


Một cây cầu bị phá hủy do động đất và sóng thần ở Palu, Indonesia. (Ảnh: Reuters).

Trận sóng thần năm 2004 ở Ấn Độ Dương tạo sóng cao hơn 30 mét và giết chết gần 250.000 người từ Indonesia tới Nam Phi, là kết quả từ siêu động đất mạnh 9,1 độ ở Sumatra. Ngược lại, đứt gãy hôm 28/9 thuộc loại đứt gãy trượt ngang, trong đó vỏ Trái Đất chủ yếu dịch chuyển theo phương ngang. Loại dịch chuyển này thường không gây sóng thần.

Nhưng trong một số tình huống nhất định, sóng thần vẫn có thể xảy ra. Đứt gãy trượt ngang có thể kèm theo chuyển động theo chiều dọc làm nước biển bị xáo động, hoặc vùng đứt gãy ước tính dài khoảng 113 km có thể chạy qua một khu vực, nơi đáy biển nâng lên hoặc hạ xuống, do đó khi đứt gãy bị rung lắc trong suốt trận động đất, nó đẩy nước biển về phía trước.


Cư dân ở Palu quay trở về ngôi nhà đã bị phá hủy hôm 29/9, cố gắng thu gom những gì còn sử dụng được. (Ảnh: AFP).

Một khả năng khác là sóng thần được sản sinh gián tiếp. Rung lắc dữ dội trong trận động đất có thể gây sạt lở dưới biển, làm nước biển dịch chuyển và tạo ra cơn sóng. Những sự kiện như vậy không hiếm gặp, chẳng hạn như sóng thần trong trận động đất 9,2 độ ở Alaska năm 1964. Tiến sĩ Patton cho biết sự kết hợp giữa nhiều yếu tố có thể dẫn tới sóng thần. "Chúng ta sẽ không biết điều gì gây ra thảm họa cho tới khi nghiên cứu kỹ đáy biển", tiến sĩ Patton nói.

Sóng thần có thể bị ảnh hưởng bởi vị trí nằm ở cuối vịnh biển hẹp của Palu. Đường ven biển và hình dáng đáy vịnh góp phần tập trung năng lượng sóng và hướng nó tràn vào vịnh, làm tăng độ cao của cơn sóng khi nó tới gần bờ. Ví dụ, thành phố Crescent, California, Mỹ từng hứng chịu hơn 30 trận sóng thần, bao gồm trận sóng thần đến sau động đất ở Alaska năm 1964, do hình dáng đáy biển trong khu vực cũng như vị trí và địa thế của thành phố. Bất kể nguyên nhân thực sự là gì, động đất 7,5 độ được dự đoán sẽ không gây ra sóng trần trên quy mô rộng mà tập trung ở một khu vực.


Những nạn nhân động đất tụ tập một chỗ sau khi rời khỏi Palu. (Ảnh: AFP).

Do sóng thần phát sinh ở quá gần Palu, người dân ít có thời gian chạy trốn. Cảnh báo sóng thần của chính phủ được dỡ bỏ sau trận động đất nửa tiếng. Hiện nay, Indonesia chỉ sử dụng địa chấn kế, hệ thống định vị toàn cầu và máy triều ký thủy chí để phát hiện sóng thần vốn hạn chế về độ chính xác, theo Louise Comfort, giáo sư ở Đại học Pittsburgh. Comfort đang tham gia một dự án mang cảm biến sóng thần mới đến Indonesia.

Tại Mỹ, Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia (NOAA) có mạng lưới phức tạp gồm 39 cảm biến ở đáy biển, có thể phát hiện những thay đổi áp suất cực nhỏ chỉ ra đường đi của sóng thần. Dữ liệu sau đó được truyền qua vệ tinh để phân tích và phát cảnh báo nếu cần. Tiến sĩ Comfort cho biết Indonesia cũng có mạng lưới tương tự gồm 22 cảm biến nhưng không còn được sử dụng do khó bảo trì hoặc bị phá hoại. Dự án của tiến sĩ Comfort giúp mang hệ thống mới tới Indonesia, sử dụng liên lạc dưới biển và tránh dùng các phao nổi có thể bị tàu đâm trúng.

"Thật đau lòng khi bạn biết công nghệ có sẵn. Indonesia nằm ở Vành đai Lửa. Sóng thần sẽ còn xuất hiện", tiến sĩ Comfort nhấn mạnh.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất