Tại sao chúng ta thường nhớ đến những ký ức tồi tệ lâu hơn?

Bạn đã bao giờ tự hỏi những ký ức trong quá khứ tác động đến mình như thế nào? Đặc biệt là những ký ức không mấy tích cực?

Hãy hình dung bạn đang ngồi thư giãn, và bỗng nhiên bạn nhớ lại lần thất bại ê chề khi thuyết trình cách đây đã khá lâu, khiến tâm hồn đang tĩnh lặng của bạn tan nát.

Bạn cảm thấy lòng bàn tay mình đổ mồ hôi nhễ nhại, nhịp tim tăng lên, ruột lộn tùng phèo, và mọi thứ bạn có thể làm chỉ là thở dài ngao ngán.

Nếu bạn cho rằng điều này chỉ xảy ra với mỗi mình bạn, thì bạn hoàn toàn sai lầm rồi. Mọi người đều có lúc chìm đắm vào những suy nghĩ tiêu cực!


Mọi người đều có lúc chìm đắm vào những suy nghĩ tiêu cực!

Nền tảng khoa học

Các nhà nghiên cứu từ lâu đã muốn hiểu được nền tảng khoa học đằng sau những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta. Vào năm 2006, nhà nghiên cứu Elizabeth Kensinger từ Đại học Boston và Daniel Schacter từ Đại học Harvard đã công bố nghiên cứu nổi tiếng của họ về "Sự hồi tưởng ký ức xúc cảm".

Thử nghiệm của họ tập trung vào ký ức về giải bóng chày American League Championship 2004, nơi độ Boston Red Sox đánh bại New York Yankees. Ký ức này được chọn bởi nó được xem là một sự kiện tạo nên cảm xúc cao độ đối với người xem.

Nghiên cứu bao gồm 3 hạng mục. Nhóm rất tích cực (fan của Red Sox), nhóm rất tiêu cực (fan Yankees), và trung lập (những người tham gia không phải là fan của cả hai đội). Kết quả cho thấy fan của những đội giành chiến thắng hoặc bị đánh bại sẽ nhớ lại sự kiện này với một trải nghiệm xúc cảm cao độ hơn so với những người xem trung lập.

Những kết quả đó cho thấy ký ức xúc cảm được hồi tưởng lại một cách sống động hơn những ký ức phi cảm xúc. Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu còn nhận ra rằng nhóm tiêu cực - các fan của đội Yankees thua trận - nhớ được nhiều chi tiết sâu sắc về sự kiện hơn là nhóm tích cực, tức các fan của đội Red Sox. Điều đó chứng minh rằng những ký ức tiêu cực được ghi nhớ một cách mạnh mẽ hơn và ít khả năng bị mai một hơn các ký ức tích cực.

Một thử nghiệm tương tự được tiến hành vào năm 2007, trong đó nghiên cứu một sự kiện đầy cảm xúc khác: sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Những người tham gia được chia thành hai nhóm dựa trên những cảm nhận của họ về sự kiện - những người xem sự kiện là tích cực và những người xem nó là tiêu cực. Kết quả cho thấy nhóm tiêu cực cao độ hồi tưởng lại sự kiện với độ chính xác thực tế cao hơn nhóm tích cực.

Quá trình nghiên cứu sâu hơn, xoay quanh phân tích ký ức, tiết lộ rằng ký ức xúc cảm được ghi nhớ chính xác hơn nhiều so với ký ức phi cảm xúc. Điều này cho thấy rằng việc ghi nhớ những trải nghiệm xúc cảm là rất quan trọng và hữu dụng đối với bản thân chúng ta.

Sự khơi gợi cảm xúc

Để hiểu tại sao những trải nghiệm xúc cảm lại được bộ não ghi nhớ tốt hơn, hãy tìm hiểu cách não lưu trữ ký ức.


Cấu trúc chính trong bộ não đảm nhiệm lưu trữ ký ức là "đồi hải mã".

Cấu trúc chính trong bộ não đảm nhiệm lưu trữ ký ức là "đồi hải mã". Nó là một cấu trúc nhỏ nằm ở thuỳ thái dương, đóng vai trò quan trong đối với trí nhớ dài hạn của chúng ta (tất nhiên nó còn nhiều chức năng khác nữa). Tuy vậy, quá trình hồi tưởng ký ức xúc cảm không chỉ đòi hỏi đồi hải mã, mà cả amygdala và nhiều khu vực của vỏ não trước trán nữa.

Amygdala là một cấu trúc nhỏ hình quả hạnh nhân bên trong bộ não, chủ yếu tham gia vào việc kiểm soát cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc sợ hãi và giận dữ. Khi một trải nghiệm xúc cảm được hồi tưởng, chính amygdala là thứ tạo ra khía cạnh xúc cảm của sự kiện. Một ký ức càng nhiều cảm xúc, amygdala càng hoạt động mạnh.

Nhiều khu vực khác của vỏ não trước trán góp phần kiểm soát hành vi cảm xúc và xã hội cũng tham gia truyền tải những ký ức xúc cảm của chúng ta. Nhiều trong số những cấu trúc đó liên kết với hệ viền, phần não được xem là khá nguyên thuỷ của chúng ta.

Các nhà khoa học tin rằng sự tham gia của amygdala và vỏ não trước trán trong quá trình hồi tưởng ký ức xúc cảm đã giúp khôi phục lại ký ức. Việc amygdala và vỏ não trước trán được kích hoạt bởi một cảm xúc nào đó khiến những nơ-ron đã kích hoạt kia gửi xung động đến đồi hải mã. Một lượng lớn các xung động được gửi đến đồi hải mã được cho là đã tham gia hỗ trợ và củng cố ký ức. Tuy nhiên, con đường cụ thể của quá trình hồi tưởng ký ức xúc cảm hiện vẫn chưa hoàn toàn được hiểu rõ.

Đó là lý do vì sao bạn nhớ về việc nhận được điểm 10 hoặc điểm 1 khi làm bài kiểm tra một cách rất sống động, nhưng lại dễ dàng quên mất không biết mình đã tắt quạt khi rời phòng hay chưa!

Ấn tượng tiêu cực

Bất kể tính xúc cảm của một ký ức ra sao, nó cũng không lấn át được hiệu ứng đậm nét mà một ký ức tiêu cực tạo ra. Bạn có lẽ tự hỏi những ký ức tiêu cực đó gây tác động lớn lên chúng ta như thế nào, nhưng trên thực tế, lời giải thích lại khá rõ ràng.

Các nghiên cứu cho thấy chuột ghi nhớ được vị trí trong một môi trường thử nghiệm mà chúng bị sốc điện. Các bản quét fMRI của những người tham gia đang phải xác định những trải nghiệm xúc cảm cho thấy hoạt động của đồi hải mã, amygdala, và nhiều khu vực của vỏ não trước trán tăng lên khi người tham gia hồi tưởng những sự kiện tiêu cực.

Những sự kiện tiêu cực thường gây căng thẳng và khiến cơ thể của chúng ta tiết ra các hormone căng thẳng epinephrine và cortisol. Các nghiên cứu PET và fMRI cho thấy tác động của các hormones căng thẳng trên amygdala là tối quan trọng trong việc kiểm soát và tăng cường ký ức. Epinephrine và cortisol được cho là tác động lên màng đáy trên amygdala (BLA), vốn đảm nhiệm việc lưu trữ những phản xạ có điều kiện liên quan đến nỗi sợ hãi.

Bởi những hormone đó được tiết ra dưới các tình huống tiêu cực, nó dẫn đến việc chúng ta ghi nhớ những sự kiện tiêu cực tốt hơn. Amygdala được kích hoạt mạnh và gửi đi những tín hiệu mạnh có thiên hướng xúc cảm đến đồi hải mã. Kết quả là chúng ta có những hồi tưởng rõ rệt về những biến cố tiêu cực, cả trên khía cảnh ký ức lẫn cảm xúc.

Quan điểm tiến hoá

Tại sao cơ thể của chúng ta lại có xu hướng củng cố những ký ức tiêu cực? Tại sao lại nhớ về những thứ khiến chúng ta đau khổ và căng thẳng?

Các nhà khoa học tin rằng xu hướng này có tầm quan trọng về mặt tiến hoá. Mục đích duy nhất của việc hồi tưởng lại những biến cố tiêu cực là để chúng ta nhớ, nhận ra, và cẩn trọng trước những mối đe doạ tương tự trong tương lai.


Các nhà khoa học tin rằng xu hướng này có tầm quan trọng về mặt tiến hoá.

Có vẻ hợp lý, xét việc người tiền sử thường xuyên gặp phải những nguy hiểm đe doạ đến tính mạng mỗi ngày. Hồi tưởng về những ký ức tiêu cực hỗ trợ cho sự sinh tồn của họ. Nhớ lại thời điểm một con hổ tấn công từ đằng sau những bụi cây sẽ giúp họ ngăn ngừa một sai lầm tương tự vào lần sau.

Nhưng ngày nay, chẳng có con hổ nào chực chờ chúng ta đằng sau những cái cây cả. Định nghĩa của chúng ta về những sự kiện tiêu cực đã thay đổi để phù hợp với lối sống mới. Điểm kém trong bài kiểm tra, buổi thuyết trình tồi tệ, hay một biến cố đau thương, như một vụ trấn lột chẳng hạn, là một vài trong số những tình huống tiêu cực mà chúng ta nhiều khả năng phải đối mặt.

Một người từng bị trấn lột có khả năng cao nhớ về những chi tiết như khẩu súng, xe của tên trộm, con đường nơi biến cố xảy ra... Họ thậm chí còn nhớ mình đã đau đớn thế nào, hay thị giác của họ đã nhoè đi ra sao giữa một tình huống đầy căng thẳng. Từ lúc đó trở đi, mỗi điều nhỏ nhặt, như mẫu xe hay con đường, điều có thể gợi nhắc người đó về biến cố kinh khủng kia. Lý do của tự nhiên khi khiến chúng ta nhớ lại những điều đó là để chúng ta học hỏi và cẩn trọng, hoặc sẵn sàng tốt hơn cho các tình huống như vậy trong tương lai.

Mức độ hồi tưởng lại một biến cố tiêu cực có thể khác nhau tuỳ người. Trong khi một người có thể hồi tưởng một cách sống động mọi chi tiết về vụ trấn lột, người khác có thể chẳng nhớ gì ngoài khẩu súng. Lượng hormone căng thẳng tiết ra và cơ chế hình thành ký ức của mọi người là rất khác nhau.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa con người chỉ hồi tưởng tốt những trải nghiệm tiêu cực. Những tháng ngày vui tươi trong cuộc sống và những ký ức đặc biệt quý giá cũng được lưu trữ trong đồi hải mã. Những ký ức xúc cảm dường như "miễn nhiễm" trước tình trạng biến dạng ký ức.

Hiệu ứng ám ảnh của một ký ức tiêu cực được xem là một món quà của tiến hoá dành cho chúng ta. Dù nó có vẻ gây hại nhiều hơn là lợi, chúng ta hãy nhìn nhận vấn đề theo một góc nhìn hơi khác một chút. Quá trình tiến hoá hiển nhiên không muốn những ý nghĩ tiêu cực luẩn quẩn trong đầu để cướp đi sự yên bình chúng ta đang có hôm nay, mà nó chỉ muốn dạy cho chúng ta một bài học thu được từ trận chiến với những con quái vật của ngày hôm qua!

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất