Tại sao đất có màu nâu?
Khi thực vật héo và chết đi, lá và cành của chúng rơi xuống, mang theo carbon mà chúng đã dự trữ vào lòng dất.
Những vi khuẩn tí hon trên trái đất đã cắn nát những tàn thực vật này bằng các enzyme chuyên dụng (có tác dụng bẻ gẫy các liên kết trong lá, thân cây) để tạo ra những miếng mồi ngon phù hợp với kích cỡ của chúng. Các vi sinh vật háu đói xử lý một lượng lớn carbon trong đất, thậm chí thu nạp vài loại nguyên tố vào trong tế bào của mình.
Và vì bận rộn như vậy, vi khuẩn không thể thực hiện trọn vẹn công việc. "Chúng chẳng phải là những cái máy nghiền hiệu quả trăm phần trăm", Steven Allison, một nhà sinh thái học tại Đại học Irvine, California, nói.
"Có những mảnh carbon không bị vi khuẩn đánh chén, và có carbon trong cơ thể của chính chúng. Sau đó chúng chết đi, carbon lại quay trở lại lòng đất. Đó là một chu trình, mà ở đó luôn có carbon còn sót lại. Những mảnh nhỏ này tích luỹ dần qua thời gian".
Chúng được gọi là vật liệu mùn, chất đống năm này qua năm khác. Chính kho tích luỹ carbon của vi khuẩn đã tạo cho trái đất màu nâu bẩn, bởi carbon hấp thụ hầu hết màu sắc trong quang phổ mặt trời, trừ ánh sáng màu nâu bị nó phản xạ trở lại.
Tuy nhiên, không phải đất đai trên khắp trái đất đều có màu nâu. Một số sa mạc dường như chỉ có cát trắng. Đất ở Hawaii, giàu sắt, lại có màu hơi đỏ. Đào sâu xuống đất ở một vài vùng có màu nâu bẩn, bạn sẽ thấy các màu khác bên dưới.
"Nếu không có quá nhiều carbon trong lòng đất, mặt đất sẽ có màu vàng, đỏ và xám. Chúng phụ thuộc vào màu của khoáng chất chủ đạo ở đó", Allison nói.